Một logo tốt thì đồng nghĩa với giá trị thương hiệu nó đại diện cho. Hãy nghĩ tới những thương hiệu mang tính biểu tượng như McDonald’s hoặc Apple. Những logo của họ như một hình ảnh đại diện được nhận diện ngay lập tức cho bản thân doanh nghiệp.
Logo thường là một biểu tượng được sử dụng để đại diện cho một thương hiệu. Hãy tìm hiểu kĩ hơn và bạn sẽ thấy nhiều logo mang trong mình những lớp nghĩa ẩn, thường là một điều gì đó liên quan tới lịch sử của công ty hoặc một phép ẩn dụ hình ảnh tinh tế. Sau tất cả, việc xây dựng thương hiệu có mấu chốt ở việc kể chuyện – đó là cách con người kết nối với nhau.
“Nhưng có một yếu tố khác làm nên câu chuyện của một thiết kế logo: Màu sắc của nó.”
Màu sắc của một logo có thể nói lên nhiều điều về thương hiệu. Đối với những thương hiệu có tên tuổi, một màu sắc có thể được liên kết một cách nội tại với nhận diện của doanh nghiệp. Hãy nghĩ tới những cốc café nổi tiếng với màu trắng và xanh lá của Starbuck hoặc lớp giấy gói màu tím mang tính biểu tượng của Cadbury. Và với trường hợp của những thương hiệu mới, màu sắc logo của họ thể hiện nỗ lực định vị thương hiệu của họ trong mắt những khách hàng họ hướng tới.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ điểm qua cách những thương hiệu tên tuổi sử dụng màu sắc trong logo của mình, cùng nghiên cứu những mẫu hình chung được hé lộ thông qua những lựa chọn màu sắc phổ biến và xem kĩ hơn cách những doanh nghiệp lớn có những tư duy khác biệt như thế nào.
Một lý do quan trọng khi coi trọng logo chính là trí nhớ hình ảnh của con người là một hiện tượng kì diệu và mạnh mẽ. Và đó chính xác là lý do chúng tôi thu thập bánh xe màu sắc logo này – chỉ cần nhìn qua, bạn có thể thấy chính xác cách những cái tên lớn sử dụng màu sắc logo như thế nào.
Màu sắc logo và nhận diện thương hiệu
Mối liên hệ giữa màu sắc và nhận diện thương hiệu là vô cùng mạnh mẽ. Trong tạp chí của Viện Khoa học Tiếp thị (Journal of the Academy of Marketing Science), những nhà nghiên cứu Lauren Labrecque và George Milne giải thích rằng “cũng giống như cái tên thương hiệu được lựa chọn kỹ càng, màu sắc mang những ý nghĩa nội hàm trở thành giá trị trung tâm của nhận diện của thương hiệu, đóng góp vào sự nhận diện của thương hiệu, và truyền tải những hình ảnh mong muốn.”
Trong nghiên cứu của họ về sự phân biệt màu sắc của thị trường, Lauren Labrecque và George Milne đã nhấn mạnh cách những ngành công nghiệp nhất định sử dụng những màu sắc cụ thể khác nhau.
Ví dụ, họ phát hiện ra rằng màu xanh da trời được sử dụng trong logo của hơn 75% thương hiệu thẻ tín dụng, và chỉ trong 20% các thương hiệu đồ ăn nhanh. Trong khi đó, màu đỏ được tìm thấy trong xấp xỉ 0% các thương hiệu may mặc, nhưng lại được sử dụng trong hơn 60% số thương hiệu bán lẻ.
Đối với người tiêu dùng phải xem những mẩu quảng cáo hàng nghìn lần mỗi ngày, những tín hiệu hình ảnh này có thể là một thông điệp vô thức về việc những món hàng nào đang được bán và ai đang bán chúng.
Xu hướng sử dụng màu sắc chủ đạo của những công ty thuộc nhóm Fortune 500
Khi nghiên cứu chủ đề thú vị này, chúng tôi trước tiên nhìn vào logo của nhóm những công ty thuộc nhóm Fortune 500. Ở đây, chúng tôi đã để ý một xu hướng chủ đạo xuyên suốt chúng. Xanh da trời nói chung là lựa chọn màu sắc phổ biến nhất của nhóm công ty nói trên.
Điều này là khá dễ hiểu vì sao màu xanh da trời lại là sự lựa chọn phổ biến như vậy. Xanh da trời là một màu không mang tính xúc phạm. Nó là một lựa chọn an toàn nhưng lại có một dải sắc độ đa dạng. Và đối với những công ty muốn thể hiện sự an tâm – ví dụ như trong ngành Tài chính, Công nghệ, Sức khỏe hoặc Bảo hiểm – màu xanh da trời đảm nhiệm một cách hoàn hảo yêu cầu đó.
Trong khi đó, màu đỏ lại là lựa chọn táo bạo và đậm nét hơn cho một thương hiệu. Nhưng nó cũng là lựa chọn phổ biến thứ hai, chỉ đứng sau màu xanh da trời. Trong nhóm Fortune 500, có một mối liên hệ rõ rệt giữa những công ty ngành Thực phẩm và Bán lẻ với một logo màu đỏ – điều ủng hộ quan điểm phân biệt màu sắc của Labrecque và Milne.
Những logo màu tím xuất hiện đâu đó trong nhóm Fortune, trong khi màu hồng hầu như không xuất hiện.
Tâm lý học màu sắc và những thiết kế logo
Không thể bàn luận về những màu sắc logo và việc xây dựng thương hiệu mà không nhắc tới tâm lý học màu sắc. Ngành nghiên cứu này đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa những sắc độ nhất định và sự phản hồi của con người.
Những người đề xướng tâm lý học dựa trên màu sắc tin rằng bạn có thể sử dụng lý thuyết này để kích thích những hành vi cụ thể của khách hàng.
Không cần nghi ngờ gì, những nhà nghiên cứu và nhà tiếp thị đã đưa ra những mẫu hình về cách con người phản ứng với màu sắc. Những chả mẫu hình nào là hoàn toàn đúng trong tất cả các trường hợp: Một người có thể nghĩ màu đó là màu thú vị, nổi bật – nhưng người khác có thể liên tưởng tới máu và bạo lực. Hoàn cảnh và đối tượng chủ đích là cực kì quan trọng. Màu đen có thể thể hiện sự ổn định và tao nhã trong một hoàn cảnh nhưng trong hoàn cảnh khác nó lại thể hiện sự u ám và lạnh lẽo. Và những yếu tố khác như văn hóa, giới tính và độ tuổi cũng đồng nghĩa với việc những màu sắc khác nhau được nhận thức với nhiều cách khác nhau bởi những người khác nhau.
Nói cách khác, tâm lý học màu sắc không chỉ là đen và trắng.
Bài học ở đây là gì? Không có một màu sắc mặc định có thể đảm bảo sự thành công cho thương hiệu của bạn – nhưng việc chọn nhầm một màu có thể khiến thương hiệu của bạn bị khách hàng hiểu sai.
Tuy vậy, có những sự gắn kết mạnh mẽ giữa những màu cụ thể trong tâm trí của khách hàng. Những màu này sẽ tự diễn biến theo cả hai cách – sự liên quan giữa màu cam và năng lượng có lẽ không phải nội tại với bản thân màu sắc đó, mà thay vào đó là kết quả của việc nó luôn được sử dụng bởi những thương hiệu muốn truyền tải thông điệp về năng lượng. Khách hàng nhìn thấy màu sắc này và biết một cách vô thức rằng có một thông điệp tinh tế đang được truyền tải. Bằng cách này, tâm lý học dựa trên màu sắc trở thành một lời tiên tri tự trở thành sự thực.
Tất nhiên, có một khía cạnh sinh lý liên quan tới màu sắc. Hãy nghĩ tới khi bạn nhìn thấy một bảng hiệu huỳnh quang: Đôi khi màu sắc quá chói và bạn phải nheo mắt. Không phủ nhận rằng một số màu nhất định khá đậm nét và bắt mắt, trong khi những màu khác lại tinh tế và dịu mắt.
Những công ty nhất định sử dụng điều này như là lợi thế của mình – ví dụ, logo của McDonald’s luôn được nhìn thấy một cách rõ ràng giữa khu vực mua sắm đông đúc hoặc những trạm dừng chân ven đường. Trong những trường hợp này, màu vàng sáng của logo đóng vai trò chủ đạo.
Những xu hướng logo
Logo không hề miễn nhiễm với những trào lưu mới. Nhiều thương hiệu cập nhật logo của mình mỗi 5 năm, cho phép họ bắt kịp những xu hướng hiện tại, trong khi cũng vẫn sống đúng với những nhận diện thương hiệu cốt lõi của mình. Hãy nghĩ về những mục tiêu kinh doanh của bạn khi quyết định liệu có nên theo sát những xu hướng thiết kế logo – nếu bạn mở công ty chỉ bán những thứ theo mùa vụ như fidget spinners thì việc theo sát xu hướng là rất có ý nghĩa. Nhưng nếu bạn muốn tạo ra một doanh nghiệp tồn tại vài chục năm nữa, hãy hướng tới một thiết kế mãi không lỗi thời.
Những mối liên hệ màu sắc và tính biểu tượng của màu sắc thông dụng
Hãy tìm hiểu kĩ hơn về những liên tưởng của con người khi được tiếp xúc với màu sắc – quan điểm được kiểm chứng bởi nghiên cứu.
3 bước tạo ra logo của chính bạn
- Nghiên cứu ngành kinh doanh của bạn
Hãy hỏi bản thân bạn rằng doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh loại hình sản phẩm dịch vụ gì và ai sẽ là khách hàng bạn hướng tới? Nhớ rằng logo của bạn sẽ phải thật hấp dẫn trong mắt khách hàng tiềm năng. Và nhớ xem xét những đối thủ cạnh tranh của bạn. Chiến lược thương hiệu của bạn sẽ xác định liệu bạn sẽ tạo ra thứ gì đó phá vỡ những truyền thống của ngành kinh doanh hoặc giữ những trào lưu đã tồn tại – nhưng biết rõ về bản thân là điều quan trọng.
- Chọn loại logo của bạn
Có hai loại logo chính: dạng chữ và dạng biểu tượng. Một logo dạng chữ là thứ đặt trọng tâm chính ở tên của của công ty. Kiểu logo này thành công hay không phụ thuộc vào việc sử dụng kiểu chữ tốt và lựa chọn màu sắc phù hợp. Một logo dạng biểu tượng dựa vào cách sử dụng biểu tượng để khiến thương hiệu dễ nhận diện.
- Lựa chọn bảng màu của bạn
Hãy nghĩ về những liên tưởng bạn muốn khách hàng nghĩ tới với thương hiệu của mình. Những màu sắc nào hỗ trợ ý đồ này tốt nhất? Những màu sắc bạn chọn có thể sẽ có một vai trò vượt ngoài logo của bạn – chúng có thể xuất hiện trên trang web của bạn, danh thiếp của bạn,…
Nguồn: Canva.com