Thứ 2
Tháng 1
2021
11

TẠI SAO SÁNG TẠO LÀ KỸ NĂNG QUAN TRỌNG NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

Gần đây, trên trang LinkedIn Learning, bằng cách sử dụng chức năng tổng hợp từ Biểu đồ kinh tế, chúng tôi đã xác định được các kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang rất cần.

Và điều đáng ngạc nhiên, đứng đầu danh sách này lại chính là sự sáng tạo.

Thật ra, sáng tạo là kỹ năng được săn đón nhiều thứ hai trên thế giới, và điện toán đám mây đứng đầu. Nhưng điện toán đám mây là một kỹ năng khó, có nghĩa là nó chỉ áp dụng cho một phần nguồn nhân lực và nó không có sức bền của một kỹ năng mềm.

Ngược lại, học cách suy nghĩ sáng tạo hơn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho suốt sự nghiệp của bạn. Và bên cạnh đó, các xu hướng kinh tế vĩ mô cho thấy sự sáng tạo sẽ trở nên quan trọng hơn trong tương lai.

Do đó, không quá khi nói rằng sáng tạo là kỹ năng riêng biệt quan trọng nhất trên thế giới mà các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh cần phải nắm vững. Tại sao lại thế?

Hãy bắt đầu bằng định nghĩa.

Tính sáng tạo là gì: Là khả năng giải quyết các vấn đề một cách triệt để và mới lạ.

Khi nhiều người nghĩ về sự sáng tạo, họ sẽ nghĩ về các nghệ sĩ, người thiết kế đồ hoạ, nhà văn, hoạ sĩ,…

Nhưng đó chưa thể là sáng tạo, vì sự sáng tạo không có nghĩa phải là nghệ thuật. Vâng, một người nghệ sĩ có thể sáng tạo, nhưng một kỹ sư phần mềm, một nhà toán học, một nhân viên kinh doanh hay một CEO cũng có thể sáng tạo.

Vậy sáng tạo thực sự là gì? Stefan Mumaw- chuyên gia đào tạo của LinkedIn, người đã viết 6 cuốn sách về sự sáng tạo, định nghĩa: “Sáng tạo là giải quyết vấn đề một cách triệt để và mới lạ.”

Hãy cùng phân tích định nghĩa này thành hai phần:

  • Sự triệt để: Nghĩa là thực sự giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Nó phải đi vào trọng tâm vấn đề và đưa ra giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề đó. Một giải pháp không thực sự triệt để thì không thể gọi là giải pháp.
  • Sự mới lạ: Khá là khó để đánh giá đúng nó, nhưng nó là khi bạn có thể giải quyết vấn đề theo cách của riêng mình. Đó là cách giải quyết không theo lối nghĩ thông thường hoặc những cách đã được sử dụng trước đó.

Cùng với nhau, hai yếu tố tạo nên tính sáng tạo, giải quyết vấn đề triệt để bằng những cách riêng biệt.

Đồng thời Mumaw cũng tin rằng sự sáng tạo không hoàn toàn là thiên bẩm. Đúng vậy, cũng như bất kỳ kỹ năng nào khác, một số người sinh ra đã mang trong mình khả năng sáng tạo hơn người. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nâng cao khả năng sáng tạo bằng cách dành thời gian luyện tập nó.

“Sự sáng tạo, cũng như bất kì kỹ năng nào khác, là thứ mà bạn có thể học được. Và vì nó là một kỹ năng nên bạn có thể dần dần hoàn thiện nó,” Mumaw nêu ra trong khóa học Creative Bootcamp của ông. “Và chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng sáng tạo là kỹ năng chúng ta có thể rèn luyện để cải thiện. Nhưng thật ra là có thể.”

Tại sao sự sáng tạo lại quan trọng như vậy: Những công việc theo quy trình đang dần bị thay thế.

Với định nghĩa về sự sáng tạo, tại sao nó là kỹ năng quan trọng bậc nhất đối với các chuyên gia ngày nay?

Dễ thấy nhất ở lĩnh vực sản xuất thương mại. Ngày nay, những thứ có thể tự động hoá đã được tự động hoá hoặc nếu chưa thì sẽ sớm được như vậy, và điều đó sẽ dẫn đến phần lớn các công việc mang tính quy trình sẽ bị cắt giảm.

Lấy ví dụ về ngành truyền thông. Báo giấy đã tồn tại từ rất lâu, rất nhiều nhân công được sử dụng để tạo ra một bố cục hoàn chỉnh trên các trang báo, tạo khuôn in, in và phân phối cho người đọc. Ngày nay, khi tin tức được truyền đi bằng hình thức viễn thông điện tử, thì hầu như tất cả những công việc theo quy trình đã được tự động hoá.

Vậy còn lại những công việc nào? Là nhà báo, người thuật lại những mảnh chuyện và từ đó kết nối con người với nhau. Việc đó cần sự sáng tạo, đó là một giải pháp triệt để và đổi mới – là những câu chuyện chưa được kể mà mọi người thực sự muốn nghe.

Hiện tượng này cũng đang diễn ra ở mọi ngành công nghiệp. Những công ty phần mềm không chỉ cần ai đó biết viết code, họ muốn một người có thể tạo ra những phần mềm mới để khắc phục lỗi cho những chương trình cũ. Công ty không muốn những nhà phân tích kinh doanh chỉ chăm chú vào những con số, họ muốn những nhà phân tích có thể đưa ra những giải pháp sáng tạo dựa trên những thông tin mà con số đó thể hiện.

Tất cả nói lên điều gì: Không có đầu tư nào tốt hơn việc đầu tư để nâng cao kỹ năng sáng tạo ngay từ bây giờ.

Trí thông minh nhân tạo đang ngày càng được chú trọng trên thế giới, những công việc theo quy trình dần trở nên lỗi thời. Các công ty sẽ không trả lương cho một công việc lặp đi lặp lại một nhiệm vụ; thay vào đó robot có thể đảm nhiệm công việc đó.

Thay vào đó, các công ty đang rất ráo riết tìm kiếm nhân tài, người có thể đưa ra những giải pháp mới và tốt hơn.

Vì vậy, nếu bạn muốn xây dựng một “tương lai vững vàng” cho sự nghiệp của mình, sẽ không có cách nào tốt hơn là tập trung vào khả năng suy nghĩ sáng tạo. Đừng cố bám vào những giải pháp đã được áp dụng trước đó mà hãy thúc đẩy bản thân tìm những ý tưởng mới hơn, hay hơn.

Cuối cùng, không như bạn từng nghĩ, sáng tạo là một kỹ năng. Và cũng như bất kỳ kỹ năng nào khác, bạn có thể nâng cao và phát triển nó, với điều kiện bạn phải rèn luyện.

Tác giả: Paul Petrone

Nguồn: linkedin