Thứ 4
Tháng 5
2017
17

Phát triển kĩ năng động não (brainstorming) để nắm bắt những ý tưởng tốt nhất

Ý tưởng tuyệt vời sắp tới của bạn có thể giúp cứu vãn tình thế, nhưng chúng sẽ chẳng bao giờ lộ diện nếu bạn không brainstorm. Kevin Eikenberry sẽ chia sẻ những gợi ý để tạo nên phiên brainstorm thành công hơn, cũng như một số mẹo để chọn ra các ý tưởng tốt nhất.

Với tư cách là chuyên viên tư vấn, chúng tôi luôn tin tưởng các kĩ năng giải quyết vấn đề. Một trong những kĩ năng đó chính là khả năng brainstorm các ý tưởng mới, dù là khi làm với với đội nhóm, với khách hàng, hay làm việc độc lập.

Cũng giống như bất kì kĩ năng nào, chúng ta có thể luyện tập để brainstorm tốt hơn. Ở mảng này, tôi sẽ đưa ra một vài mẹo nhỏ để brainstorm tốt hơn, cũng như các bước thu thập những ý tưởng tốt nhất từ phiên brainstorm.

Brainstorm tốt hơn

Luyện tập các mẹo này để giúp phiên brainstorm của bạn thành công hơn – và đồng thời cũng vui nhộn hơn nữa.

1. Bắt đầu bằng một câu hỏi hay vấn đề rõ ràng để tổng hợp các ý tưởng. Nếu bạn brainstorm cùng nhóm của mình, hãy chắc rằng mọi người đều hiểu được chính xác điều bạn đang cố để đạt đến qua quá trình brainstorm này. Nếu bạn chỉ brainstorm một mình, cũng rất quan trọng để làm tương tự như thế. Bỏ qua bước này, cho dù vấn đề có vẻ rõ ràng rồi, thì cũng có thể khiến bạn khó tìm ra các giải pháp tốt nhất.

2. Tập trung vào số lượng, không phải chất lượng. Mục tiêu còn lại ở bước đầu này là để tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt. Thế nên trọng điểm trong quá trình là, không có ý tưởng nào là kém cỏi cả. Để nâng cao hiệu quả, chúng ta phải lờ đi phán đoán nội tại và để cho trí não được tự do hoạt động. Cho dù là brainstorm một mình hay cùng một nhóm, điều quan trọng là phải lưu giữ ngay mỗi ý tưởng vào giấy hay máy tính.

3. Đừng trở thành người phán xét. Một khi các ý tưởng được định hình, nhóm cũng không cần xét đoán chúng. Bất kỳ hình thức xét đoán nào trong nhóm, dù là bằng lời nói hay chữ viết, cũng sẽ làm cản trở luồng chảy các ý tưởng mới. Hãy giữ vững tính tích cực của quá trình này và tất cả ý tưởng chính là chìa khóa quan trọng của một phiên brainstorming tuyệt vời.

4. Xin quá giang! Một trong những lợi ích to lớn nhất khi brainstorm cả nhóm chính là có thể dùng ý tưởng của người khác để tạo ra các ý tưởng mới. Suy nghĩ về các ý tưởng đã có sẵn trong danh sách và “quá giang” chúng – phỏng theo, mở rộng, rút lại, kết hợp, hay bất cứ cách gì để tổng hợp ra ý tưởng mới từ một ý tưởng đã được định hình.

5. Cứ tiếp tục. Phiên brainstorm thường bắt đầu như một cơn mưa bất chợt và kết thúc bằng một tia chớp. Các ý tưởng tốt nhất thường ra đời tiếp sau đợt tiến công ồ ạt lúc đầu của những câu trả lời hiển nhiên nhất. Tiếp tục vượt qua khoảng lặng ý tưởng bằng cách đặt một, hai câu hỏi để kích thích suy nghĩ đi xa hơn. Hãy ghi nhớ, số lượng mới là điều quan trọng. Cả kinh nghiệm cá nhân lẫn qua nghiên cứu đều cho thấy rằng các ý tưởng tốt nhất thường được tìm thấy sau quá trình brainstorm.

6. Đặt ra một mục tiêu. Trí não của chúng ta được định hướng theo mục tiêu. Bằng cách đặt ra một số mục tiêu cho phiên brainstorm, cơ hội tạo ra các ý tưởng tuyệt vời sẽ tăng lên như một kỳ tích. Đừng dừng lại cho đến khi bạn đạt đến mục tiêu – và đặt ra mục tiêu có tính kéo dãn.

Giờ thì, hãy thu thập các ý tưởng tốt nhất mà bạn đã brainstorm được.

Nếu dòng sáng tạo của bạn đang tuôn chảy, bạn sẽ sở hữu cả một danh sách ý tưởng dài. Bấy giờ, bạn sẽ gặp một vấn đề mới – xác định ý tưởng nào cần theo đuổi. Nhiệm vụ này cũng dễ làm nản chí như khi giải quyết vấn đề nội tại, trừ khi bạn biết cách tiến hành. Hãy thực hiện các bước này để sàng lọc ra những ý tưởng vàng và biến chúng trở thành đồng tiền vàng để giải quyết các vấn đề.

1. Làm rõ tất cả ý tưởng. Nhìn vào từng ý tưởng trong danh sách và chắc rằng mọi người đều hiểu được ý nghĩa của chúng. Những khác biệt tinh vi trong ý nghĩa có thể thay đổi nhận thức của một người về tiềm năng của một ý tưởng. Thêm vài từ hoặc mô tả để chắc rằng mỗi ý tưởng có thể được lý giải theo cách thông dụng.

2. Kết hợp các ý tưởng tương tự thành một ý tưởng mới, trọn vẹn. Đừng quá háo hức, vì những khác biệt nhỏ trong từng ý tưởng có thể dẫn đến khác biệt lớn khi thực hiện. Mục tiêu ở đây tạo ra một danh sách bao hàm các phần tử thực sự độc đáo.

3. Tìm kiếm các tổ hợp mới lạ hoặc những thay thế mới. Khi bạn xem lại danh sách, các ý tưởng mới có thể lộ diện khi mọi người hiểu rõ hơn các ý tưởng hiện có trong danh sách. Nếu đúng như thế, hãy nắm giữ chúng ngay. Hãy cho bản thân hay nhóm của bạn quyền hạn tìm kiếm các tổ hợp mới dựa trên sự hiểu biết sâu sắc hơn về các ý tưởng.

4. Đặt ra tiêu chuẩn để xét đoán các ý tưởng của bạn. Bằng cách nào bạn có thể xác định được ý tưởng tốt nhất hay sẽ được thực hiện ? Thông qua trả lời các câu hỏi này, bạn đã nhận diện được tiêu chuẩn có thể áp dụng cho từng ý tưởng. Dành thời gian để quyết định tiêu chuẩn và có lẽ tranh luận thêm về tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa các tiêu chuẩn. Một tiêu chuẩn điển hình có thể bao gồm: độ dễ dàng khi thực hiện, tốc độ thực hiện, chi phí thực hiện thấp nhất, ý tưởng đột phá nhiều nhất, và tiềm năng ảnh hưởng lớn nhất.

5. Đặt ra ưu tiên dựa trên tiêu chuẩn của bạn. Bạn và khách hàng của bạn có thể có tiêu chuẩn cụ thể, đóng vai trò quan trọng nhất khi chọn lựa giải pháp – chi phí thấp nhất, dễ thực hiện nhất, v.v.. Sử dụng những tiêu chuẩn này để dành ưu tiên cho các giải pháp tiềm năng thích hợp nhất với nhu cầu đó, như thế sẽ giúp bạn quyết định các ý tưởng tốt nhất để bước tiếp từ danh sách bạn đã tổng hợp.

6. Vòng trở lại. Một khi bạn đã nhận diện được “các ý tưởng tốt nhất” bằng các tiêu chuẩn, hãy quay ngược lại và kiểm tra những ý tưởng đó liệu mâu thuẫn với câu hỏi hay vấn đề định hình ngay từ đầu hay không. Hãy chắc chắn rằng các ý tưởng được chọn sẽ thực sự giúp bạn giải quyết vấn đề hoặc công việc thông qua tình huống mà bạn đã nhận dạng.

7. Quyết định các bước đầu tiên. Giờ thì bạn đã có trong tay các ý tưởng sẵn sảng thực hiện. Khi làm trong nhóm, hoặc trước khi bạn kết thúc phần việc cá nhân, hãy dành thời gian để quyết định các bước cần thiết đầu tiên để thực hiện ý tưởng.

Các bước này sẽ giúp bạn chọn ra và áp dụng các ý tưởng tốt nhất từ những gì bạn tổng hợp được. Brainstorm chỉ là nguồn năng lượng cho các giải pháp sáng tạo; lựa chọn các ý tưởng tốt nhất mới chính là mục tiêu cuối cùng. Lần tới khi bạn có trong tay danh sách ý tưởng, hãy áp dụng các bước này, và chiêm ngưỡng sự tiến triển của các giải pháp – cũng như nụ cười trên gương mặt các vị khách hàng.

Kevin Eikenberry là tổng giám đốc của Discian Group, công ty tư vấn học tập tại Indianapolis. Nếu bạn có thắc mắc hay câu hỏi dành cho Kevin, hãy gửi email cho chúng tôi.

Bạn đã tiến hành các phiên brainstorm với đội nhóm của mình hay với khách hàng chưa? Các phiên brainstorm đó có hiệu quả không? Hãy để lại bình luận phía dưới hoặc gửi tin nhắn cho chúng tôi nhé.

Nguồn: www.techrepublic.com