Sự sáng tạo hay trí sáng tạo là một trong những đặc tính mà người ta có vẻ có một sự hiểu biết nội tại về nó, nhưng nếu bạn thực sự hỏi ai đó định nghĩa về sự sáng tạo, nhiều khả năng là họ sẽ bối rối và không thể ngay lập tức đưa ra câu trả lời. Khá dễ dàng để đưa ra danh sách những con người sáng tạo (Frieda Khalo, Steve Jobstạo và Steve Wozniak, Einstein), và kết quả của trí tuệ sáng tạo (một cuốn tiểu thuyết, một phát minh, hay là một cách nhìn nhận thế giới mới), nhưng việc đưa ra một định nghĩa thực sự về trí sáng tạo là một việc không đơn giản chút nào. Khi tôi càng nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, tôi lại càng nhận thấy sáng tạo là một hiện tượng đa sắc thái một cách khó tin.
Nhưng tất nhiên chúng ta cần phải bắt đầu ở đâu đó, vì vậy hãy mở đầu với định nghĩa sau đây:
Trí tuệ sáng tạo là năng lực vượt qua những giới hạn của những phương thức tư duy hoặc hành động truyền thống, và phát triển những ý tưởng, vật thể và phương pháp mới và nguyên gốc.
Chúng ta hãy cùng mổ xẻ nó thành những phần nhỏ hơn:
- Nó là một loại năng lực
Đây cũng giống như khả năng có thể chạy một dặm, hoặc làm vài ba bài toán đại số hoặc đọc thuộc lòng một vở kịch của đại văn hào Shakespeare. Vì thế, sáng tạo là một kĩ năng cụ thể đối với một cá nhân. Đối với một số người, nó có vẻ đến với họ một cách tự nhiên, nhưng lại là thứ những người khác có thể cải thiện nếu họ đầu tư thời gian và công sức luyện tập.
- Nó vượt qua giới hạn của những phương thức tư duy hoặc hành động truyền thống
Vượt qua giới hạn đồng nghĩa với việc bạn sẽ vượt lên quá những giá trị hiện hữu của phương thức truyền thống. Nó đồng nghĩa với việc ghi nhận những giới hạn của những phương thức hiện hữu và cố gắng cải thiện nó.
- Nó phát triển những thứ mới và nguyên bản
Tôi nghĩ rằng từ khóa ở đây là sự phát triển. Sự sáng tạo vượt qua giới hạn của sự tưởng tượng: vấn đề là ở sự phát triển. Nếu nó là một ý tưởng, bạn đi ra ngoài và tiến hành nghiên cứu để chứng minh nó. Nếu nó là một quá trình mới, bạn thử và kiểm tra nó để xem liệu nó có hoạt động hay không. Nếu nó là một vật thể, bạn xây dựng lên nó.
Tuyệt vời! Và giờ tôi đã cung cấp cho bạn những định nghĩa vỡ lòng rồi, chúng ta hãy cùng đào sâu nghiên cứu và cố gắng hiểu trí tuệ sáng tạo là gì (và lý do tại sao bạn nên hoặc không nên quan tâm).
Sự sáng tạo là một chủ đề tương đối mới
—
Sự sáng tạo mới chỉ được ghi nhận tầm 60-80 năm trở lại đây.
Bạn có thể thấy vô lý rằng đối với tất cả những nghệ sĩ và nhà phát minh vĩ đại từ lâu phải chăng họ không có trí sáng tạo? Tất nhiên tôi không có ý đó. Tôi đang nói rằng khái niệm của sự sáng tạo khi chúng ta hiểu về nó – cho dù nó có vẻ có mặt khắp nơi – đã không thực sự là một phần của từ vựng phổ thông cho tới những năm 50 của thế kỉ vừa qua:
Trong nhiều nền văn hóa, những ý tưởng hay sự tiến bộ mà chúng ta quy cho sự sáng tạo của một cá nhân thường được xem như là “những khám phá”. Thậm chí những tác phẩm nghệ thuật đã được xem như một hình thức bắt chước lại vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh hơn là một loại hình sáng tạo.
Trong thế giới Thiên chúa giáo thời trung cổ, những ý tưởng sáng tạo được cho là được truyền cảm hứng từ thần thánh. Bạn đã làm một thứ gì đó tuyệt vời? Bạn nợ chúa một lời cảm ơn đó, bạn của tôi.
Trong buổi bình minh của sự giác ngộ, chúng ta đã bắt đầu nhận thấy một sự dịch chuyển chậm chạp hướng tới trách nhiệm cá nhân, nhưng thậm chí khi đó sự chú trọng được dành cho sự tưởng tượng và thông minh – cả hai thứ chắc chắn là một phần trong định nghĩa hiện đại về sự sáng tạo, nhưng không hoàn toàn là sự sáng tạo.
Nơi chúng ta thực sự bắt đầu nhận thấy sự xuất hiện ý tưởng về sự sáng tạo hiện đại là vào những năm 20 của thế kỉ 20. Với sự khai sinh của ngành tâm lý học (xem thêm chú thích số 1) vào nửa cuối của thế kỉ thứ 19, những mô hình xã hội ở các nước phương Tây thay đổi ở sự chú trọng một cách có chủ đích hơn vào tính cá nhân, và những khả năng và cá tính khác biệt của mỗi chúng ta. (Một đặc tính khác trong những thứ chúng ta nghĩ là bẩm sinh – cá tính cá nhân đã không thực sự là một thứ gì đó có nghĩa trước thời của Freud.) Sự sáng tạo như là một loại năng lực, hoặc một đặc tính cá nhân, lần đầu tiên có được sự phổ biến sau thành công của tác phẩm Graham Wallas’ book Art of Thought. Trong tác phẩm này, Wallas giới thiệu một mô hình giải thích phương thức con người tiếp cận vấn đề và tư duy một cách sáng tạo.
Và vì thế, ý tưởng đương đại về trí tuệ sáng tạo được khai sinh. Từ đó, những nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu ở những lĩnh vực ngành khác nhau đã tiếp tục phát triển ý tưởng về sự sáng tạo mà chúng ta tìm hiểu ngày nay.
Vậy điều đó có nghĩa là trước năm 1930 không có ai sáng tạo hay không? Tất nhiên là không, rõ ràng là loài người đã sở hữu khả năng suy nghĩ đột phá, vượt lên những giới hạn hiện hữu và phát triển những ý tưởng mới trong một khoảng thời gian dài. Điều mà sự chú trọng hiện tại về sáng tạo cho thấy là sáng tạo là một phẩm chất có giá trị trong nền văn hóa của ta ở ngay lúc này. Sự chú trọng về sáng tạo như là một đặc tính được khao khát có thể liên quan tới sự phát triển nhanh chóng của những ý tưởng và công nghệ mới trong thế kỉ 20 vừa qua.
Sáng tạo là một hình mẫu về tư duy
—
Chúng ta đã biết rằng sự sáng tạo là một loại năng lực cho phép người ta phát triển những ý tưởng mới, nhưng điều này có vẻ vẫn tối nghĩa và mơ hồ (giống như nói bơi là năng lực để không bị chết đuối trong nước – về mặt kỹ thuật thì đúng nhưng định nghĩa này không có ích nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn hoặc bạn thực sự không muốn bị chết đuối!). Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn.
Tất cả kĩ năng đều xuất phát từ bộ não của chúng ta: cho dù nó là kỹ năng thể chất (học đá bóng,…) hoặc kĩ năng về tinh thần (học giải một phương trình toán học chẳng hạn), vấn đề cốt lõi là ở việc những neuron trong bán cầu não phải của bạn tạo dựng những liên kết với nhau, lặp đi lặp lại cho tới khi những gì bạn làm trở nên thuần thục (xem thêm chú thích số 2).
Trí sáng tạo là kĩ năng vượt qua những giới hạn của các phương thức tư duy truyền thống và đưa ra những ý tưởng mới. Nhưng những ý tưởng mới đó đến từ đâu?
Hãy quên bán cầu não trái và phải đi, vấn đề là ở những mạng lưới liên kết trong não bạn
Cũng giống như bí ẩn huyền thoại “chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não của mình”, khái niệm những người có não trái mạnh đồng nghĩa với khả năng sáng tạo tốt, não phải mạnh đồng nghĩa với tư duy phân tích là hoàn toàn phản khoa học.
Đúng là có những phần khác nhau trong bộ não của chúng ta thực hiện những chức năng khác nhau, nhưng đó là những kết nối giữa những phần này, và mạng lưới tiếp sau mà chúng tạo ra nhằm có được sự nhận dạng. Ví dụ như, nếu bạn đang cố gắng leo qua một viên đá chắn đường bạn đang đi, bạn có xu hướng sử dụng những liên kết có liên quan tới những phần của bộ não xử lý những hình ảnh trực quan và điều khiển hoạt động của cơ. Nếu bạn đang giải thích với bạn của mình về cách vượt qua viên đá chắn đường đó, hãy thêm vào những phần của bộ não có chức năng điều khiển năng lực ngôn ngữ.
Khi nhắc tới sự sáng tạo, những nhà khoa học thần kinh đã xác định được 3 mạng lưới liên kết quy mô lớn và quan trọng của bộ não:
- Mạng lưới thực thi sự chú ý giúp bạn chú ý và tập trung
- Mạng lưới tưởng tượng cho phép bạn mơ giữa ban ngày hay tưởng tượng bản thân mình trong hoàn cảnh của một người khác
- Mạng lưới tự vệ cho phép bạn xác định khi những thứ được trôn vùi trong não bạn có thể trở thành thứ gây hại cho bạn (ví dụ như khi bạn đang đi dạo và để ý thấy một cây ở bên đường, bạn nhận ra nó trông quen quen và đó là một loại cây dại gây ngứa bạn từng gặp phải! Và bạn đã tự cứu mình khỏi sự mẩn ngứa khó chịu nếu không may đi tới gần cây độc đó.)
Những mạng lưới này hoạt động tích cực trong não bạn, và chúng làm việc cùng nhau càng nhiều thì bạn càng sáng tạo. (Xem thêm chú thích số 3).
Vậy chúng ta quay lại với câu hỏi ban đầu: Sự sáng tạo là gì? Sự sáng tạo là một kĩ năng cho phép bạn có được sự hiểu biết về thế giới quanh mình, kết nối những quan sát đó với kho tàng kiến thức có sẵn của bạn, và tưởng tượng những ứng dụng mới của kiến thức của bạn về thế giới.
Liệu có một sự liên quan giữa sự sáng tạo và trí thông minh?
—
Vậy nếu vấn đề nằm ở những gì đang diễn ra ở những mạng lưới nhất định trong não, liệu điều đó có đồng nghĩa với việc những người sáng tạo thì thông minh hơn những người bình thường? Tôi ước gì mình có thể dễ dàng đưa ra câu trả lời đúng hay không đúng cho bạn, nhưng sự nghiên cứu về sự sáng tạo vẫn là một đề tài còn khá mới, và người ta vẫn chưa dành nhiều công sức cho nó để đưa ra một kết luận vững chắc nào nào đó.
Vào năm 1999, những nhà nghiên cứu Sternberg và O’ Hara đã cung cấp một bộ khung gồm 5 mối quan hệ có thể xảy ra giữa sự sáng tạo và trí thông minh:
- Trí thông minh là một loại của sự sáng tạo
- Sự sáng tạo là một loại của trí thông minh
- Sự sáng tạo và trí thông minh là những kiến trúc bao phủ nhau (chúng có một vài đặc tính chung)
- Sự sáng tạo và trí thông minh là một phần của cùng một kiến trúc (về cơ bản thì chúng cùng là một thứ)
- Sự sáng tạo và trí thông minh là những kiến trúc hoàn toàn tách biệt (giữa chúng không hề có quan hệ gì)
Có những công trình nghiên cứu cung cấp bằng chứng ủng hộ cho mỗi quan điểm trong số các quan điểm nói trên, nhưng chưa từng có công trình nghiên cứu nào gây ngạc nhiên bằng kết luận của nó. Vì vậy có thể nói rằng không có gì là bằng chứng cho việc nếu bạn thông minh hơn thì bạn sẽ sáng tạo hơn. Nhưng cũng không có gì có thể khẳng định việc không có sự tương quan nào đó giữa sự sáng tạo và trí thông minh.
Liệu trẻ em có sáng tạo hơn người trưởng thành?
—
Nếu bạn tìm hiểu về sự sáng tạo bằng cách tìm thông tin thông qua Google, bạn sẽ rất nhanh được dẫn tới một bài báo nhắc tới công trình nghiên cứu của giáo sư George Land, có vẻ chỉ ra rằng trẻ em dường như trở nên kém sáng tạo hơn theo thời gian.
Ý chính của bài báo nói trên: giáo sư Land đã làm việc với NASA để phát triển một bài kiểm tra sự sáng tạo – thứ giúp họ lựa chọn ra những kỹ sư và nhà khoa học sáng tạo cho chương trình không gian của NASA. Vào năm 1968, ông ấy và đồng nghiệp tên Beth Jarmen đã thực hiện cùng một bài kiểm tra đối với 1600 trẻ nhỏ và phát hiện ra rằng có tới 98% trẻ em 5 tuổi rõ ràng là những thiên tài sáng tạo. Và chúng ta trở nên kém sáng tạo dần đi khi chúng ta trưởng thành và già đi, cho tới tuổi thành niên thì chỉ có khoảng xấp xỉ 2% số người lớn được đủ tiêu chuẩn để được ghi nhận là những thiên tài sáng tạo.
Có thể là tôi hơi cay đắng rằng mình có chút ghen tị với tất cả những đứa trẻ được công nhận là thiên tài sáng tạo kia và những ý tưởng sáng tạo của chúng cho phép chúng trở thành phi hành gia, nhưng thực sự tôi hơi nghi ngờ về những kết quả này. Chắc chắn rồi, trí óc người lớn cho nhiều thứ phải nghĩ hơn trẻ con (chỉ cần ấp ủ đứa trẻ trong tâm hồn bạn, bỏ qua tất cả những áp lực của xã hội và bạn có thể đủ tiêu chuẩn sáng tạo để đi vào không gian?) nhưng bạn đã bao giờ dành thời gian của mình ở bên một đứa trẻ 5 tuổi?
Đồng nghiệp của tôi có một đứa con trai ở tầm tuổi đó: cuối tuần vừa rồi cậu bé đã chắp một chuỗi Barrel of Monkeys để tạo ra những bậc thang cho những anh lính đồ chơi của cậu leo qua.
Điều này không chỉ đáng yêu mà nó còn là một ví dụ đáng ngạc nhiên về lối tư duy sáng tạo vượt khỏi giới hạn có sẵn. Nhưng liệu có ứng dụng thực tế? Có lẽ là không nhiều. (Mặc dù tôi có khoảng thời gian tuyệt vời tưởng tượng về kịch bản này!)
Ít khớp nối thần kinh hơn đồng nghĩa kém sáng tạo hơn?
Những đứa trẻ có những bộ não tuyệt vời: chúng phát triển hàng nghìn tỷ những khớp nối thần kinh trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Vì thế, thông qua một quá trình được gọi là suy giảm kết nối thần kinh, số những kết nối này giảm dần qua thời gian, bời một số khớp nối thần kinh được sử dụng trong khi số còn lại không được sử dụng.
Nói cách khác, trẻ em kết nối tất cả các loại thông tin linh tinh, vớ vẩn cùng nhau trong tâm trí chúng vì chúng chưa được học rằng những thứ này không cần thiết phải đi cùng nhau. Năng lực để tạo những kết nối giữa những thứ có vẻ không liên quan này – còn được gọi là tư duy phân kì – là một yếu tố cực kì quan trọng đối với tư duy sáng tạo. Nhưng nó mới chỉ là một phần của sự sáng tạo. Và có lẽ đó là lý do khiến tôi không thực sự sẵn sàng tin tưởng kết quả của chương trình không gian rằng trẻ em là những thiên tài thực sự.
Nhưng điều này làm nổi bật một câu hỏi quan trọng:
Chúng ta kiểm tra sự sáng tạo như thế nào?
—
Những bài kiểm tra sự sáng tạo được phát triển trong những năm 1960 thực chất là những bài kiểm tra về tư duy phân kì. Một vài ví dụ về các bài kiểm tra này bao gồm bài tập cách sử dụng khác (có bao nhiêu cách khác nhau bạn nghĩ có thể sử dụng một cái kẹp giấy; số câu trả lời và độ nguyên bản của những ý tưởng bạn đưa ra ảnh hưởng tới điểm số của bạn) và bài tập hoàn thành hình vẽ – thường bạn được cho sẵn một phần của bức tranh và được yêu cầu hoàn thành nó (những vật thể không bình thường, những câu chuyện được suy luận, sự hài hước và nguyên bản dành được điểm cao).
Những nhà nghiên cứu khác đã cố gắng đo đếm sự sáng tạo thông qua những bộ câu hỏi tự đánh giá sự sáng tạo và những cách tiếp cận cá tính xã hội (nơi họ nhìn vào hỗn hợp của những đặc điểm cá tính khác nhau và cố gắng tìm ra một “mẫu số chung” cho một người sáng tạo). Cả hai phương pháp này đều có những sự thiên lệch nội tại gây ra những kết luận không chính xác.
Vì vậy trong khi những bài kiểm tra tư duy phân kì đã luôn bị chỉ trích, hiện tại chúng vẫn là phương pháp đo đếm sự sáng tạo được chấp nhận rộng rãi nhất.
Vì sao bạn nên quan tâm tới sự sáng tạo?
—
Tôi hy vọng rằng bản thân sẽ không phiến diện khi nói rằng tất cả mọi người đều muốn phát triển những kĩ năng mới. (Ai mà không muốn trở thành một vận động viên chạy nhanh hơn hay một người chơi bài giỏi hơn chứ?) Nhưng tất cả chúng ta chỉ có thời gian giới hạn mỗi ngày, vì thế bạn cần luyện tập để tiến bộ đối với tất cả các kĩ năng. Vì sao sáng tạo là một trong những kĩ năng quan trọng mà bạn nên dành thời gian phát triển?
Đúng thế, nếu bạn quan tấm tới sự nghiệp của mình, đây chắc sẽ là một khoản đầu tư xứng đáng. Cả các cá nhân và các doanh nghiệp đều quý trọng những ai với phẩm chất sáng tạo. Theo một cuộc khảo sát bởi Adobe, nhân sự với khả năng sáng tạo cao có thể có thu nhập cao hơn tới 17% so với những người không sở hữu năng lực này. Tương tự thế, trong một khảo sát với 1500 vị CEO, hãng IBM đã khám phá ra rằng sự sáng tạo là phẩm chất số một cần thiết cho sự thành công trong kinh doanh.
Số liệu từ những cuộc khảo sát nói trên đều dựa trên quan điểm hoặc mức độ sáng tạo tự đánh giá, nhưng cho dù những nhà khoa học bất đồng với kết luận được đưa ra thì nó vẫn đáng để chúng ta để ý. Nói chung thì ông chủ của bạn và ông chủ của ông chủ của bạn đều nghĩ sự sáng tạo là rất quan trọng. Và điều đó có ý nghĩa như là định nghĩa của một người sáng tạo phải là một ai đó có thể đưa ra những ý tưởng hay và có thể biến chúng thành thực tế. Trong thế giới ngày nay, đó chính xác là nhiên liệu thúc đẩy việc kinh doanh đến thành công. Vậy nếu bạn muốn đi trước thời đại, hãy bắt đầu luyện tập đưa ra những ý tưởng mới ngay hôm nay!
Bạn có thể trở nên sáng tạo hơn hay không?
—
Chắc chắn là có! Sự sáng tạo không phải một món quà kì diệu được ban tặng chỉ cho một vài cá nhân may mắn, nó là một kĩ năng mà bạn có thể ấp ủ và trau dồi. Mẹo ở đây là đưa ra phương pháp phù hợp cho bản thân cải thiện năng lực sáng tạo.
Các phần chú thích
- Một chuỗi sự kiện đã diễn ra vào cuối thế kỉ thứ 19 và đầu thể kỉ 20 khiến thay đổi cách nhìn nhận thế giới của chúng ta, từ việc phát hiện ra thuyết tương đối cho tới sự phát minh của sự vận chuyển nhanh chóng với quy mô lớn, những cách liên lạc qua những khoảng cách xa, và chụp lại thực tế (chẳng hạn như nhiếp ảnh hay hay làm phim).
- Video trong series TED Talk này là video tuyệt vời về cách luyện tập một cách hiệu quả. Nó cung cấp một sự giải thích hợp lý về ảnh hưởng của sự luyện tập lên bộ não.
- Tất cả đều nói, có nhiều bằng chứng thuyết phục rằng hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta không được thiết kế để nuôi dưỡng tư duy sáng tạo – điều mà chúng ta đánh giá cao trong xã hội ngày nay. Điều này đúng nếu bạn xem xét rằng cấu trúc và chương trình giáo dục của những trường học (chí ít là các trường ở Hoa Kì) đến từ thế kỉ 19.
Nguồn: 99designs.com