“Trí tưởng tượng thì quan trọng hơn là kiến thức. Trong khi kiến thức bị giới hạn bởi những gì chúng ta biết và hiểu được thì sự tưởng tượng có thể bao trùm mọi thứ của thế giới và tất cả những vật có thể được khám phá và tìm hiểu sau này.”
“Sự sáng tạo là sự thông minh khi vui vẻ” – Albert Einstein.
Einstein là một thiên tài độc nhất vô nhị khi ông ta có được một tài năng thiên bẩm đặc biệt (và có lẽ chưa từng ai có được) cho khoa học – điều mà chỉ có thể lý giải bởi sự sáng tạo không ngừng nghỉ của ông.
Tuy nhiên, bài viết này không tập trung miêu tả sự thông minh và sáng tạo của ngài Einstein – thay vào đó, chúng tôi muốn tập trung thảo luận về những cách mà chúng ta có thể từng bước xây dựng nên tính sáng tạo cho bộ não của mình. Tư duy sáng tạo sẽ luôn là điều cần thiết trong tương lai cho dù bạn là nghệ sĩ, nhà khởi nghiệp, nhà cải cách, nhà sáng tác hay đơn giản là những thành viên của một tổ chức nào đó.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số phương pháp nhằm tăng cường và tận dụng trí sáng tạo của bạn. Không cần biết bạn muốn trở thành một Elon Musk hay bạn là một cậu học sinh trung học đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, nếu bạn coi trọng sự sáng tạo – điều bạn nên làm – thì bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một vài gợi ý hữu ích.
- Tạm quên đi mục đích của mình
Những bộ óc sáng tạo nhất luôn tập trung phần lớn suy nghĩ vào quá trình hơn là thành quả của hành động. Bằng việc chú tâm vào từng khoảnh khắc và tập trung vào những tác vụ trên tay, một người sáng tạo có thể hiểu một cách tự nhiên rằng thành quả tốt sẽ đến.
Hãy tận hưởng quá trình bạn làm việc, thành quả tốt sẽ tìm tới bạn sớm thôi!
- Nói không với sự chỉ trích
Kinh nghiệm cá nhân: với tư cách là một nhà sáng tác, tôi khá nhạy cảm với sự phán xét mà người ta dành cho công việc của mình tới mức ám ảnh. Và bạn chắc cũng đoán được điều gì xảy ra: khi tôi sáng tác, những tác phẩm của tôi bị ảnh hưởng bởi sự ám ảnh này. Tôi không thể tư duy một cách rõ ràng nữa.
Khi những nhà sáng tạo cảm thấy thư giãn (xem thêm mục 3 phía dưới) và để bản thân cách xa với những ám ảnh do tự mình áp đặt, những ý tưởng bắt đầu tuôn trào…
- Hãy thư giãn
Sự căng thẳng là một người bạn đồng hành khó chịu của quá trình sáng tạo. Thường thì những ý tưởng hay khó xuất hiện khi tư duy của bạn bị căng cứng bởi stress, những ý tưởng thường chỉ xuất hiện một cách tự nhiên. Hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để cảm thấy thư giãn hơn. Bạn có thể thử đi bộ, ngồi dưới một gốc cây, chơi một trò chơi hoặc làm bất cứ điều gì.
Hãy liên tưởng tới những sáng tạo đột phá mà người ta đạt được khi bạn đang thư giãn hay thậm chí khi bạn đang nghỉ ngơi. Paul McCartney – đồng sáng lập nhóm The Beatles, đã nói về bài hát Yesterday rằng: “Tôi đã thức dậy với một âm hưởng đáng yêu trong tâm trí.” và ông cũng thừa nhận: “Điều đó thật tuyệt, và tôi tự hỏi nó là gì.” Phần còn lại đã trở thành lịch sử.
- Viết ý tưởng của bạn ra giấy
Ghi lại những ý tưởng sáng tạo ra giấy mang tới cho bạn 2 lợi ích quan trọng. Đầu tiên, bạn phải có một bản cứng ghi lại ý tưởng của mình, khiến nó khả thi hơn và đảm bảo những thứ khác có thể trở thành hiện thực từ nó. Thứ 2, thói quen này giúp giải phóng bộ não của bạn để dành cho những ý tưởng sáng tạo tiếp theo.
Vì vậy, luôn đảm bảo cây bút và sổ ghi chép của bạn luôn sẵn sàng.
- Hãy đọc nhiều hơn
Có lẽ không biện pháp nào kích thích bộ não tốt hơn việc đọc, khiến nó trở thành một biện pháp không thể thay thế được đối với các nhà sáng tạo. Khi bạn có một thói quen đọc thường xuyên, những liên kết thần kinh được tạo mới trong não – một quá trình được biết tới như là neuroplasticity.
Đọc không cần thiết phải là một hoạt động có chủ đích. Bạn có thể tìm bất kì một chủ đề nào mà bạn hứng thú và dành ra khoảng 30 phút để đọc mỗi đêm trước khi đi ngủ.
- Nghe nhạc Mozart
Einstein đã nói rằng, ông ấy có được tài năng đặc biệt cũng nhờ có Mozart – người được nhiều người coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại và có tầm ảnh hưởng nhất của âm nhạc thời kì cổ điển.
Được gọi là “Hiệu ứng Mozart”, khá nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy: “Âm nhạc của Mozart có thể gây ra những cải thiện tạm thời đối với một số loại tác vụ thần kinh được biết tới với cái tên Lý luận không gian thời gian.”
- Thiền định
Bạn có nghĩ thiền định sẽ là một phương pháp kích thích trí sáng tạo? Bài viết này sẽ không thể hoàn chỉnh nếu không bàn luận tới tác dụng tích cực của thiền định đối với óc sáng tạo.
Thiền định có ích cho tư duy sáng tạo khi việc này có thể làm thư giãn và tĩnh lặng tâm trí của chúng ta. Theo một nghiên cứu của Đại học Nam California, một người bình thường có khoảng 60 tới 70 nghìn suy nghĩ mỗi ngày.
Bạn có nhớ sự quan trọng của thư giãn ở phần trên của bài viết? Sự thiền định, khi được thực hành một cách hiệu quả, có thể thúc đẩy sự hoạt động của não ở những mức độ cao hơn – một yếu tố then chốt đối với quá trình tư duy sáng tạo.
- Tránh ra những thói quen xấu
Rượu, thuốc lá, đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn – những thứ được tiêu thụ không có chừng mực – nhất là ở các quốc gia phương Tây, là những thứ làm giảm sự sáng tạo trong tư duy.
Những đồ ăn thức uống xấu nói trên sẽ làm hao mòn nhanh chóng năng lượng của bạn, bao gồm cả những nguồn năng lượng dành cho bộ não. Tránh xa những thứ độc hại đó sẽ giúp bạn duy trì hiệu quả nguồn năng lượng của mình và thúc đẩy sức khỏe và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Năng lượng, sức khỏe và thói quen tốt là những thành tố quan trọng nhất đối với tư duy sáng tạo.
- Để cho cơ thể và não bộ của bạn được luyện tập
Những bài tập thể chất là thiết yếu để duy trì năng lượng và sức khỏe của bạn – những yếu tố mang lại năng lực sáng tạo.
Luyện tập bộ não của bạn cũng quan trọng như vậy. Một cách cụ thể hơn, giải toán đố và những hoạt động tư duy trừu tượng giúp chuyển hướng bộ não của bạn để tiếp cận giải pháp dưới một góc độ hoàn toàn khác. Khi những liên kết thần kinh bên trong não phát triển, khả năng nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo cũng nảy nở theo!
Thực ra có khá nhiều cách khác để luyện tập bộ não của bạn. Nếu bạn sở hữu một chiếc smartphone, có khá nhiều những ứng dụng miễn phí có thể thách thức khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Hoặc là, bạn có thể theo phương pháp cổ điển với những hoạt động giải đố. Bên cạnh đó, có nhiều cách khác để bạn luyện tập não luôn có sẵn để bạn thử và khám phá.
Nguồn: powerofpositivity.com