Thiết kế là gì? Bruce Mau là ai? Nhân tiện, có nhất thiết phải là một cái bóng điện không?
Câu chuyện cười giải thích sự phát triển.
Kamen kể câu chuyện, chuyện xảy ra khi anh ra ngoài để mua kem. Kamen hiện giờ là một người New England nổi tiếng, nhưng anh lớn lên ở thành phố New York và vẫn còn giọng nói cùng với những câu nói cụt lủn kiểu người New York, “lúc đó tôi đang ở một trung tâm thương mại” anh kể, “tôi đang đi từ bãi đậu xe vào, trời lúc đó đang mưa. Tôi nhìn thấy một anh chàng, trên một chiếc xe lăn. Không phải là một ông già, mà là một chàng trai, trông dáng vẻ cân đối- có lẽ là một cựu chiến binh. Nghe nói bị cụt chân do đạp phải mìn. Nhưng giờ anh ấy đang hiện diện tại đây, trong một trung tâm thương mại hiện đại mới xây dựng này. Và anh không có cách nào để lên được lề đường. Anh phải nhờ vài người xung quanh nhấc chiếc xe lăn lên.”
Kamen giơ ngón tay trỏ lên ra dấu: đó là phần đầu của câu chuyện.
“Vài phút sau tôi ghé ngang qua tiệm Radio Shack mua vài cục pin và mấy thứ linh tinh. Tôi thấy chàng trai ở đó, giờ thì đang gặp khó khăn trong việc lấy thứ gì đó ở trên kệ! Sau đó, cứ như định mệnh được sắp đặt sẵn, khi tôi đi vòng qua khu vực đồ ăn để mua kem, tôi lại thấy anh ta lù lù ở đó. Anh đang đợi đến phiên mình, nhưng quầy kem thì lại cao nên anh không thể nhìn người bán kem được. Anh ấy không thể thực hiện được một sự giao dịch căn bản, đừng nói đến lòng tự trọng.
Bây giờ thì câu chuyện đi vào phần mấu chốt khi mà bộ não tư duy thiết kế của Kamen khởi động. “Tôi nhìn vào tất cả những sự việc đó và nghĩ thật là một thiếu sót thảm hại của sự tiến bộ. Ý của tôi là, một cách nghiêm túc mà nói, với tất cả những thứ phi thường mà ta đã làm được với kỹ thuật công nghệ, chúng ta đang làm gì để cải tiến chiếc xe lăn hai trăm năm tuổi này? Và chúng ta đang làm gì để lấy lại được lòng tự trọng cho chàng trai này? Vấn đề nằm ở chỗ đó, không phải chỉ là làm thế nào để anh ấy di chuyển được, mà là lòng tự trọng. Chúng ta có thể làm tốt hơn thế được không?”
Câu chuyện là như thế. Khi Kamen đặt một câu hỏi – cho chù ban đầu nó chỉ nằm trong đầu của anh – nhưng câu hỏi đó đã sinh ra câu trả lời và từ đó tạo ra chuỗi hành động cho những sự phát triển. Kamen dành trọn những năm sau đó để tìm cách giải quyết những vấn đề về sự ổn định động lực theo những cách thức mới, bằng cách dùng những trục quay hồi chuyển (gyroscope) cứng, bộ cảm biến, những bộ vi xử lý để tái tạo sự thăng bằng cho con người. Tất cả gói gọn trong một bộ “đủ nhỏ để gắn phía dưới mông của một người nào đó” anh nói. “Bởi vì chúng ta biết rằng khi chúng ta làm được điều đó, chúng ta có thể giúp một người đứng lên trên hai điểm. Và khi chúng ta thăng bằng được trên hai điểm, chúng ta sẽ xử lý được việc leo lên lề đường. Và một khi đã leo lên được lề đường, chúng ta có thể đi xa hơn một chút nữa, đó là leo lên các bậc tam cấp.”
Về sau Kamen đã có thể thực hiện được tất cả những việc đó với chiếc xe lăn iBOT: cái ghế ngồi nâng người sử dụng lên tư thế đứng, và các bánh xe thì lăn lên lề đường hoặc các bậc tam cấp một cách gọn gàng. Toàn bộ cái dự án thiết kế và công trình phức tạp đã được khởi đầu từ một sự quan sát của con người cùng với phản ứng xúc cảm đối với cái mà người đó đã nhìn thấy.
“Ý tưởng của chúng ta dường như luôn đến từ những nơi như thế” Kamen giải thích. “Tôi cho rằng việc xảy ra là thế này, chúng ta nhìn vào cùng sự vật, cùng thực tại giống như tất cả mọi người. Nhưng chúng ta nhìn thấy nó khác đi một chút. Cái gì thực tế của ngày hôm nay, chúng ta biết rằng, nó không có nghĩa sẽ vẫn thực tế vào ngày mai. Do vậy, chúng ta cứ thường xuyên nhìn vào các sự vật và đặt câu hỏi “Tại sao?” hoặc “Tại sao không?”
Ở tại cái trung tâm thương mại ấy ở New Hampshire, trong một buổi chiều muộn mưa rơi và ảm đam, Kamen nhìn người đàn ông trên chiếc xe lăn và thấy được một tia le lói của triển vọng. Nhưng anh chỉ có thể nhìn thấy được điều đó bằng cách lùi lại, xem xét lại những gì anh đã nhìn thấy – và thắc mắc về sự tồn tại hoặc những cái có thể tồn tại của sự vật.
Những câu hỏi mà Kamen đưa ra lúc đó – Tại sao người ngồi trên xe lăn lại không thể đứng lên và nhìn được vào mắt người khác? Tại sao anh ta không leo lên được bậc thềm, hoặc ngay cả các bậc tam cấp? phù hợp với định nghĩa mà Bruce Mau gọi là “những câu hỏi ngớ ngẩn”: kiểu câu hỏi nhằm vào những sự hiển nhiên theo cách rất đơn giản làm cho người hỏi bị nhìn nhận như là một người ngờ nghệch. Nếu Kamen hỏi những câu hỏi như vậy trong một cuộc họp kinh doanh ở một công ty sản xuất xe lăn, chúng sẽ gây nên những cái trợn mắt và sự khó chịu, cùng với cảm giác cuộc họp đang có đà bỗng phải tạm dừng lại.
Nhưng trong thực tế, phản ứng ngược lại với phản ứng trên mới là điều đúng đắn. Việc đặt câu hỏi về những sự hiển nhiên căn bản có thể trở thành bước khởi đầu của những phát minh lại hoặc tạo nên những sự thay đổi ý nghĩa. Và đó thường là điểm khởi đầu của các nhà thiết kế.
Các nhà thiết kế nổi tiếng về việc hay đặt câu hỏi đến nỗi có một câu chuyện cười về việc này.
Cần bao nhiêu nhà thiết kế để thay một cái bóng điện?
Trả lời: Có nhất thiết phải là cái bóng điện không?
Gạt khía cạnh đùa cợt sang một bên, khi nhà thiết kế hỏi “có nhất thiết phải là cái bóng điện không”, có nghĩa là họ đang cơ cấu lại một vấn đề tương tự hoặc thử thách vấn đề theo cách ngược đời. Cơ cấu là một thuật ngữ phổ biến trong giới thiết kế, nó được dùng với nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung nó nói về cách mà một vấn đề hoặc một thử thách được xác định và sắp đặt bởi một nhà thiết kế, người đang cố giải quyết nó. Và thường thì cách mà vấn đề được cơ cấu sẽ định đoạt giải pháp. Vấn đề của việc cần phải thay cái bóng đèn, khi được cơ cấu lại thì sẽ là vấn đề làm cách nào để căn phòng sáng hơn mà không nhất thiết phải thay cái bóng đèn. Từ đó, đổi lại, sẽ dẫn đến việc thông một cái ô cửa trên trần nhà để ánh sáng trời chiếu vào.
Khuynh hướng đưa ra những câu hỏi ngớ ngẩn và cơ cấu vấn đề theo cách thức mới (thường hai điều này đi cùng với nhau) đóng một vai trò lớn trong việc trở nên một nhà thiết kế giỏi, nhưng đó cũng là một thói quen hữu ích cho bất kỳ người nào. Để có thể lùi lại, nhìn những sự vật xung quanh bạn bằng cách nhìn tươi mới và đặt câu hỏi về những gì mà thường được cho là hiển nhiên là cách mà con người có thể thay đổi cuộc đời, là cách mà xã hội hoặc chính phủ khắc phục lại những vấn đề cũ, và là cách mà các công ty lấy lại được sự tập trung hoặc đổi mới hoàn toàn bản thân họ.
Mau nói, khi nền kinh tế xấu đi vào cuối năm 2008, ông nhận được số lượng tăng đáng kể các cuộc gọi từ các công ty cho biết rằng, những công thức và kiểu mẫu cũ đã giúp họ sống trong nhiều năm qua không còn hiệu quả trong tình hình mới và khó khăn này nữa. Một số công ty này đã mong chờ một cách chắc chắn rằng Mau sẽ có thể cung cấp cho họ một công thức mới, một chút phép màu thiết kế. Nhưng những gì mà những công ty này phải làm, Mau nói, là thật sự xem xét lại, đòi hỏi họ phải thường xuyên đặt ra những câu hỏi thật ngớ ngẩn (nhưng không có nghĩa là dễ dãi) trong khi họ cố gắng cơ cấu lại mục đích thật sự của họ: Tại sao chúng ta làm cái mà chúng ta đang làm? Có còn người nào cần đến cái thứ này nữa không? Sẽ thế nào nếu chúng ta thay đổi triệt để cái mà chúng ta làm? Hay là làm cái gì đó khác đi? Có thể chúng ta nên dừng việc làm “mọi thứ” cùng nhau và bắt đầu cung cấp một cái gì đó khác – một dịch vụ, một kinh nghiệm?
Những câu hỏi căn bản đến nỗi các công ty đã ngừng xem xét trong một thời gian dài, nếu như họ từng có. Tương tự, những nhà cung cấp dịch vụ xã hội dùng những kiểu mẫu cũ không giúp duy trì vững trong thời đại này, nhưng để thích nghi với một thực tế mới, những câu hỏi căn bản cần phải được đặt ra: quên đi những gì mà chúng ta từng cung cấp, những công dân cao tuổi đang thật sự cần những gì? Điều gì làm cho một đứa trẻ nghèo khổ muốn được học? Những người vô gia cư suốt ngày họ làm gì?. Và ở mức độ cá nhân, đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn như: Tôi thực sự nên sống ở nơi nào? Làm cách nào để tôi hoàn thành được nhiều việc hơn? Điều gì làm cho tôi hạnh phúc?

Glimmer – Warren Berger
Trích dịch từ quyển sách: Glimmer: How design can transform your life and maybe even the world.
“Glimmer: Thiết kế có thể thay đổi cuộc đời của bạn và thậm chí, có thể thay đổi cả thế giới như thế nào” của tác giả Warren Berger.