CÁCH XÂY DỰNG MỘT PORTFOLIO THIẾT KẾ ĐỒ HỌA TUYỆT VỜI
Bài viết thực hiện bởi ad dpiCENTER
Ngày đăng 06/09/2023
Share

Một portfolio chất lượng là tấm vé chắc chắn cho thành công của bạn trong ngành thiết kế chuyên nghiệp. Đó là giấy thông hành và là bản đồ dẫn đường cho bạn – mà thực tế nó chính là phần trình bày về hình ảnh của tất cả những gì bạn đã hoàn thành. Xa hơn, portfolio chính là biểu tượng mà bạn hy vọng và phấn đấu để đạt tới trong tương lai. Về cơ bản, nó phải thể hiện bản lĩnh chuyên môn về thiết kế của bạn.

Để làm nổi bật portfolio của bạn trước đám đông chưa từng có của những đối thủ cạnh tranh trong làng thiết kế, rất hữu ích nếu bạn biết cần phải bao gồm những gì trong portfolio của mình trong khi bỏ đi những thứ không cần thiết. Dưới đây, bài viết của chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn cách để xây dựng một portfolio thiết kế đồ họa hấp dẫn có thể thu hút hoàn toàn tâm trí của người xem hay khách hàng của bạn.

Giới thiệu những dự án tốt nhất

Thiết kế bởi Megireid
Thiết kế bởi Megireid

Khi xem xét portfolio sẽ bao gồm những nội dung gì, có một câu trả lời đơn giản nhưng luôn đúng: chỉ giới thiệu những gì tốt nhất mà bạn đã làm.

Khi bạn đang xây dựng một portfolio bạn cần phải đảm bảo rằng mỗi dự án trong đó tỏa sáng và giúp bạn phô diễn những khả năng và kĩ năng thiết kế đa dạng của mình. Điều này có nghĩa bạn đang trong thời kì đầu trong sự nghiệp thiết kế của bạn và vì thế portfolio của bạn có thể ngắn và chứa ít dự án thiết kế. Nhưng chỉ cần một trang giới thiệu về một dự án cực tốt mà bạn đã hoàn thành có thể khiến bạn tự hào về nó. Đừng bắt người xem phải “gạn đục khơi trong” khi duyệt qua hàng tá thiết kế để tìm ra cái nào là tốt nhất mà bạn đã hoàn thành.

Một thiết kế logo đẹp mắt của Green in blue
Một thiết kế logo đẹp mắt của Green in blue

Tuy nhiên, luôn nhớ rằng không phải tất cả những dự án mà bạn đề cập phải thú vị và to lớn – một thiết kế danh thiếp được thực hiện tốt hoặc trang mở đầu của một dự án có thể không phải là những sản phẩm lớn lao và gợi cảm nhất nhưng chúng vẫn phô diễn với những khách hàng tiềm năng phương diện thiết kế mà bạn có thể thực hiện. Và không phải dự án mẫu nào cũng phải thiết kế mà bạn được thuê để làm – hãy thoải mái liệt kê những thiết kế bạn thực hiện cho người thân, bạn bè chỉ vì đam mê hay thậm chí những bản minh họa bạn tự tạo trong thời gian rảnh rỗi – nhưng hãy chắc chắn hãy phân loại chúng tách biệt với những dự án bạn được trả tiền để thực hiện.

Bỏ qua những thiết kế bạn không vừa ý

Về phần những thứ bạn nên bỏ lại: bất cứ dự án nào mà bạn cảm thấy không hài lòng với sản phẩm cuối cùng. Không nhà thiết kế đồ họa nào cũng có thể làm hài lòng và thỏa mãn tất cả khách hàng của mình. Thậm chí những nhà thiết kế giỏi nhất đôi khi cũng thất bại trong việc làm thỏa mãn khách hàng và làm ra phù hợp vừa khớp với tầm nhìn của họ. Đó không phải điều gì quá to tát khiến bạn phải quá trăn trở. Nhưng khi nhắc tới portfolio thiết kế thì ở nơi đó chỉ có chỗ cho những dự án tốt nhất mà bạn hài lòng. Bạn có thể được ai đó khuyên rằng hãy cứ liệt kê những dự án như thế kèm một lời giải thích – ví dụ bạn không hề thích màu hồng gắt mà khách hàng yêu cầu hoặc sự lựa chọn kiểu font là do khách hàng chỉ định. Nhưng đừng làm như thế, hãy để công việc ra một bên. Việc giải thích để đổ lỗi cho khách hàng cũ sẽ chỉ làm hình ảnh của bạn trở nên xấu xí và có thể làm mất hứng của khách hàng tiềm năng của bạn.

Thiết kế bởi blackscreenshinobi dành cho ericverprini bao gồm một bản vẽ tuyệt vời
Thiết kế bởi blackscreenshinobi dành cho ericverprini bao gồm một bản vẽ tuyệt vời

Và cũng đừng sử dụng nhiều dự án có cùng phong cách trong portfolio của bạn. Nếu bạn đã hoàn thành 50 thiết kế logo, hãy chọn ra 5 cái mà bạn thấy tự hào nhất. Có thể liệt kê logo của một hãng bia thủ công và một logo đầy trau chuốt dành cho một nhãn hàng quần áo. Một lần nữa, điều đọng lại quan trọng nhất trong đầu người xem sau khi ghé thăm portfolio của bạn nên là phạm vi làm việc và khả năng thiết kế của bạn. Hãy bỏ qua những dự án mà bạn làm việc trong một nhóm lớn và không được tham gia vào sự hoàn thiện của sản phẩm cuối cùng. Chắc chắn rồi, có thể nó là một thiết kế rất tuyệt vời, nhưng nếu ai đó khác minh họa nó và một khách hàng nào đó yêu cầu bạn tạo ra một thiết kế tương tự, bạn sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của họ.

Cân nhắc định dạng của bạn

Hãy nghiên cứu dịch vụ web nơi mà bạn muốn đặt trang portfolio của mình. Có lẽ sự lựa chọn tốt nhất của bạn sẽ là một nền tảng cho phép bạn tạo một hồ sơ và tải lên những mẫu thiết kế của mình. Cho dù lựa chọn của bạn là gì, hãy đảm bảo trang web không chỉ có thể chứa đựng một portfolio giàu hình ảnh mà nó cần trình diễn những tác phẩm của bạn một cách đẹp mắt và thẩm mỹ. Một trang có phong cách dạng thư viện với nhiều mục nhỏ có thể phù hợp và hiệu quả đối với những thiết kế logo, nhưng nếu bạn là một nhà nhiếp ảnh thì những bức ảnh chụp của bạn nên được hiển thị toàn màn hình để mang lại hiệu quả thị giác tốt nhất. Nhiều trang web portfolio cung cấp những template và phần mở rộng được thiết kế riêng dành cho những nhà nhiếp ảnh. Nếu bạn làm việc với đa dạng nhiều phong cách hoặc định dạng khác nhau, hãy bóc tách chúng thành những phần nhỏ dễ cảm thụ hơn – chia thành một vài portfolio nhỏ hơn trong portfolio chính – điều này sẽ giúp chúng dễ điều hướng và duyệt hơn.

Đừng sợ phải trình diễn nhiều dự thảo cho cùng một thiết kế.
Đừng sợ phải trình diễn nhiều dự thảo cho cùng một thiết kế.

Hãy kể một câu chuyện

Hãy coi việc trình bày portfolio của bạn như là kể một câu chuyện. Nó nên cung cấp một cốt truyện liền mạch với mở đầu, nội dung chính và kết thúc, với những thiết kế mạnh nhất của bạn đóng vai trò như là phần nâng đỡ câu chuyện ở phần mở đầu và kết luận. Nếu bạn tập trung toàn bộ những gì tốt đẹp nhất ở phần đầu, ngừoi xem có thể bị bỏ lại với ấn tượng mờ nhạt nếu những thiết kế còn lại chỉ là mờ nhạt trong quá trình người xem duyệt qua toàn bộ portfolio. Ngược lại, việc bố trí toàn bộ những thiết kế đặc sắc ở phần cuối đồng nghĩa với việc những người xem bận rộng sẽ chả dành thời gian đủ để tìm ra những thứ họ cần xem. Những lời tựa hoặc giải thích nên ngắn gọn và hướng vào trọng tâm. Hãy để thiết kế của bạn tự kể câu chuyện của chính mình – khách hàng có thể liên hệ với bạn nếu họ có thắc mắc cần giải đáp. Mọi ngôn từ trong trang portfolio của bạn nên chân thành và tự tin.

Mẫu thiết kế của thisisremedy dành cho Floral Chemistry là một tác phẩm tinh khôi và mới mẻ
Mẫu thiết kế của thisisremedy dành cho Floral Chemistry là một tác phẩm tinh khôi và mới mẻ

Nếu bạn muốn cho vào những đoạn văn miêu tả dài hơn, giống như phần giới thiệu cá nhân hoặc tiểu sử, hãy giữ chúng luôn phù hợp về nội dung, tránh lạc đề và tránh thêm vào những suy nghĩ dông dài và rời rạc. Khách hàng không cần biết tất cả về bạn để đưa ra quyết định có thuê bạn thiết kế hay không. Hãy đảm bảo những thông tin liên lạc của bạn dễ tìm kiếm, đầy đủ và luôn luôn cập nhật.

Tận dụng mạng xã hội

Rất quan trọng khi nhớ rằng trang portfolio của bạn chỉ là một phần của sự hiện diện trực tuyến của bạn như là một nhà thiết kế đồ họa. Hãy nhớ đính kèm những đường dẫn tới trang cá nhân trên mạng xã hội của bạn. Mạng xã hội có thể là một con đường tuyệt vời để xây dựng thương hiệu cá nhân bạn và mang tới những yếu tố mang tính nhân bản cần thiết có thể thuyết phục một người khách hàng làm việc với bạn. Hãy nuôi dưỡng những mối liên hệ thông qua mạng xã hội có thể kết nối và tương tác với portfolio của bạn – có thể thông qua việc tweet lại poster nào đó bạn đã thiết kế cho một sự kiện hoặc sử dụng Instagram feed của bạn để trình diễn những dự án thiết kế đang thực hiện, những bản nháp hoặc thậm chí những thiết kế lỗi. Những ứng dụng như Hyperlapse hoặc những phần mềm tương tự có thể giúp phô diễn những quá trình thiết kế của bạn xuyên suốt một dự án lớn với một định dạng cô đọng và thú vị. Hãy liên kết với trang portfolio của bạn để giới thiệu sản phẩm cuối cùng của dự án.

Nếu bạn thực hiện nhiều hơn một loại thiết kế, hãy chắc chắn trình diễn đúng phạm vi của mình. Đây là một ví dụ về nhận dạng thương hiệu thiết kế bởi KisaDesign.
Nếu bạn thực hiện nhiều hơn một loại thiết kế, hãy chắc chắn trình diễn đúng phạm vi của mình. Đây là một ví dụ về nhận dạng thương hiệu thiết kế bởi KisaDesign.

Bạn cũng có thể sử dụng mạng xã hội để thể hiện cá tính của bản thân. Nếu bạn có tham gia vào bất kì hoạt động xã hội hoặc tình nguyện nào, hãy chia sẻ nó trên mạng xã hội. Hãy tạo ra những nội dung khơi gợi và hướng người ta tới portfolio của bạn vì họ bị hấp dẫn bởi con người bạn. Hãy nhớ: nếu bạn chọn sử dụng mạng xã hội theo cách này, luôn luôn phải giữ cho new feeds của mình sạch sẽ và chuyên nghiệp. Không có vấn đề gì nếu đăng một bức ảnh về con mèo của bạn đang ngồi cạnh chiếc laptop – ai mà không thích những bức ảnh mèo đáng yêu chứ – nhưng hãy giữ kín những xung đột và mệt mỏi mà khách hàng gây ra cho bạn! Và để duy trì tính riêng tư và sự an toàn, luôn để một số kênh mạng xã hội là mở trong khi giữ những kênh còn lại riêng tư, giống như trang Facebook cho mục đích cá nhân của bạn (nơi có thể chứa cả đống ảnh mèo khác nữa).

Những thiết kế tốt nhất của bạn sẽ khác đi. Hãy cập nhật portfolio của bạn càng thường xuyên càng tốt để nhấn mạnh những tác phẩm mà bạn tâm đắc nhất.
Những thiết kế tốt nhất của bạn sẽ khác đi. Hãy cập nhật portfolio của bạn càng thường xuyên càng tốt để nhấn mạnh những tác phẩm mà bạn tâm đắc nhất.

Luôn giữ cho portfolio của bạn tươi mới và cập nhật

Portfolio không phải là một thứ bất biến. Thực tế, nó cũng giống như một thực thể sống. Nó lớn lên và hoàn thiện dần theo quá trình bạn làm việc. Một trong những cảm giác thú vị và hạnh phúc nhất trên thế giới là củng cố portfolio của chính mình, loại bỏ những thứ thừa thãi, những thứ lấp chỗ trống và bổ sung những nội dung mới mẻ hơn, phù hợp hơn. Hãy cập nhật nó thường xuyên khi kĩ năng của bạn được cải thiện và những gì bạn chú trọng thay đổi.

Khi bạn có được nhiều kinh nghiệm hơn, hãy cập nhật portfolio của mình để phản ánh loại công việc mà bạn muốn làm nhiều hơn về nó. Nếu bạn yêu thiết kế web một cách đúng nghĩa và yêu thích việc thiết kế chúng mỗi ngày, hãy biến thói quen này trở thành nền tảng của portfolio của mình, biến bản thân thành một chuyên gia mà những giám đốc nghệ thuật hoặc trưởng phòng nhân sự không thể bỏ qua khi tuyển dụng nhân viên.

Portfolio của bạn nên tươi mới, nhân bản và được chăm chút một cách cẩn thận. Nếu thực hiện tốt điều này, những khách hàng hoặc nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ đánh giá đúng năng lực cá nhân cũng như chuyên môn của bạn – và sự nghiệp của bạn cũng vì thế mà tỏa sáng.

Nguồn: 99designs.com

Tham khảo khoá học sắp khai giảng và ưu đãi mới nhất! Lịch học Đăng ký ngay