7 LOẠI LOGO VÀ CÁCH SỬ DỤNG CHÚNG
Bài viết thực hiện bởi Anh Trâm
Ngày đăng 30/09/2023
Share

Logo là một hình ảnh biểu trưng cho doanh nghiệp của bạn. Nhưng bạn có biết rằng có đến 7 loại logo khác nhau?

7 types of logos

Mặc dù chúng đều là sự kết hợp của kí tự và hình ảnh, mỗi loại logo mang đến cho thương hiệu của bạn một cảm giác khác biệt. Và bởi logo của bạn là thứ đầu tiên mà khách hàng mới sẽ nhìn thấy, bạn sẽ cần đảm bảo nó được thiết kế phù hợp. Bạn có muốn chọn loại hình logo tốt nhất cho doanh nghiệp của mình? Dưới đây là 7 loại logo bạn cần biết:

  1. Logo monogram (hoặc logo dạng chữ)

Logo monogram hoặc logo dạng chữ là những logo chỉ gồm các chữ cái, thường là những cái đầu của tên thương hiệu. IBM, CNN, HP, HBO…Bạn nhận thấy mẫu số chung chứ? Chúng là cách viết tắt chữ cái đầu của những những doanh nghiệp nổi tiếng với cái tên gốc khá dài. Thay vì vài từ dài, chúng hóa thân thành những chữ cái đầu, phụ vụ mục đích nhận diện thương hiệu. Nên điều này có ý nghĩa với họ khi sử dụng logo monogram – đôi khi được gọi là logo dạng chữ – để đại diện cho tổ chức của họ.

Một logo dạng chữ là một logo bao gồm một vài chữ cái, thường là những cái đầu của tên công ty. Cái hồn của logo dạng chữ nằm ở sự đơn giản. Bằng việc sử dụng một vài chữ cái, logo dạng chữ rất hiệu quả trong việc thể hiện thương hiệu công ty nếu chung có một cái tên dài. Ví dụ, sẽ dễ nhớ và dễ đọc hơn nhiều nếu thay National Aeronautics and Space Administration bằng NASA?

HBO letermark logo monogram

ibm lettermark logo monogram

nasa lettermark logo monogram

Bởi chú trọng vào những chữ cái đầu, font chữ bạn chọn (hoặc tạo ra) rất quan trọng để đảm bảo logo của bạn không chỉ đồng điệu với công ty của mình, mà còn dễ nhìn khi bạn in nó trên danh thiếp. Còn nữa, nếu bạn chưa phải là một doanh nghiệp phổ biến, bạn sẽ muốn thêm tên đầy đủ của doanh nghiệp ở bên dưới logo để người ta có thể bắt đầu làm quen với thương hiệu ngay lập tức.

  1. Wordmark (hoặc logotype)

Tương tự với logo dạng chữ, một logo wordmark hoặc logotype là một logo với chỉ text, tập trung vào tên doanh nghiệp. Hãy nghĩ tới Visa và Coca-Cola. Logo wordmark thực sự phù hợp khi công ty có một cái tên cô đọng và khác biệt. Logo của Google là một ví dụ kinh điển về loại logo này. Bản thân cái tên đã lôi cuốn và dễ nhớ nên khi được kết hợp với kiểu chữ thu hút, logo giúp tạo ra sự nhận diện thương hiệu mạnh mẽ.

visa wordmark logoCoca-Cola wordmark logoGoogle wordmark logo

Cũng giống với logo dạng chữ, lựa chọn kiểu chữ đối với wordmark là vô cùng quan trọng. Bởi chú trọng tới cái tên của bạn, bạn sẽ cần chọn một kiểu chữ – hoặc tạo ra một font mới – mô tả cốt lõi của doanh nghiệp. Ví dụ, những nhãn mác thời trang có xu hướng sử dụng những font sạch sẽ, tinh tế có cảm giác cao cấp, những cơ quan chính phủ gần như luôn gắn với font chữ truyền thống, cho cảm giác an tâm.

Khi nào sử dụng logo dạng chữ và wordmark:

  • Hãy cân nhắc sử dụng logo dạng chữ nếu tên doanh nghiệp của bạn dài, Việc rút ngắn dưới dạng các chữ cái đầu tên sẽ giúp đơn giản hóa thiết kế của bạn và cũng như thế, khách hàng sẽ dễ nhớ ra tên doanh nghiệp và logo của bạn.
  • Một logo wordmark là quyết định tốt nếu bạn có một doanh nghiệp mới và cần trưng ra cái tên càng nhiều càng tốt, chỉ cần đảm bảo cái tên đủ ngắn để tận dụng loại hình logo này. Nếu cái tên dài, sẽ khiến người xem rối mắt.
  • Một logo wordmark là một ý tưởng tốt nến bạn có tên công ty độc đáo dễ đi vào tâm trí người tiêu dùng. Sử dụng cái tên ấn tượng với một kiểu chữ tuyệt vời sẽ giúp bạn còn đi xa hơn thế.
  • Cả hai loại logo này đều dễ dàng để lặp lại xuyên suốt các tư liệu tiếp thị và thương hiệu, khiến chúng là những lựa chọn dễ thích ứng cho một doanh nghiệp mới mẻ và đang phát triển.
  • Hãy nhớ rằng, bạn sẽ cần chu đáo khi tạo ra một logo dạng chữ hoặc wordmark. Không phải cứ đặt cái tên bạn trên một kiểu chữ sẽ mang đến một thiết kế hiệu quả. Hãy đảm bảo bạn thuê được một nhà thiết kế chuyên nghiệp có con mắt để ý vào từng chi tiết nhỏ.
  1. Logo dạng biểu tượng

Một logo dạng biểu tượng là một biểu tượng (icon) – một logo dạng đồ họa. Nó có thể là hình ảnh xuất hiện trong tâm trí khi bạn nghĩ về “logo”: quả táo cắn dở huyền thoại của Apple, chú chim xanh của Twitter,… Logo của mỗi công ty quá tiêu biểu, và mỗi thương hiệu lại quá nổi tiếng, khiến riêng thiết kế logo có thể nhận diện một cách tức thì. Một logo biểu tượng đúng nghĩa chỉ là một hình ảnh. Vì điều đó, nó có thể là một loại logo khôn ngoan cho những công ty mới, hoặc cho những công ty chưa có nhận diện mạnh mẽ sử dụng.

Apple pictorial mark logoTwitter pictorial mark logoTarget pictorial mark logo

Điều lớn nhất cần cân nhắc khi quyết định chọn logo biểu tượng là chọn hình ảnh nào. Đây là thứ gì đó sẽ đi theo công ty của bạn suốt quá trình tồn tại. Bạn cần nghĩ về những hàm ý rộng lớn hơn của bức tranh bạn lựa chọn: bạn có muốn chơi chữ với tên của mình? (như John Deere làm với logo hươu của họ) Hoặc bạn có đang tìm kiếm những ý nghĩa sâu sắc hơn (hãy nghĩ tới cách con ma biểu tượng của Snapchat cho chúng ta biết sản phẩm có chức năng gì)? Hoặc bạn có muốn thể hiện một tâm trạng không?

  1. Logo trừu tượng

Logo trừu tượng là một phân loại nhỏ của logo biểu tượng. Thay vì sử dụng một hình ảnh dễ nhận diện – như một quả táo hay một con chim – nó là một hình khối trừu tượng đối xứng đại diện cho công ty của bạn. Một vài ví dụ kinh điển như logo của BP, Pepsi và Adidas. Cũng giống với những logo biểu tượng thông thường, những logo trừu tượng phù hợp với nhiều trường hợp bởi nó cô đọng thương hiệu của bạn thành một hình ảnh duy nhất. Tuy nhiên, thay vì bị giới hạn vào một bức ảnh về thứ gì đó quen thuộc, những logo trừu tượng cho phép bạn tạo ra thứ gì đó thực sự độc đáo thể hiện đúng nghĩa thương hiệu của bạn.

BP abstract logomarkPepsi abstract logomarkAdidas abstract logomark

Lợi ích của logo trừu tượng là bạn có thể thể hiện những gì công ty làm một cách biểu tượng, mà không dựa vào những hàm ý văn hóa của một hình ảnh cụ thể. Thông qua màu sắc và hình khối, bạn có thể diễn tả ý nghĩa và khơi gợi cảm xúc xung quanh thương hiệu của bạn. (Ví dụ, hãy nghĩ về logo của Nike gợi tả sự xê dịch và tự do như thế nào).

  1. Mascots (linh vật)

Logo linh vật là những logo được tạo ra từ hình minh họa nhân vật. Thường là nhiều màu sắc, đôi khi giống hoạt hình, luôn vui vẻ, logo linh vật là một cách tuyệt vời để tạo ra đại sứ thương hiệu của chính bạn.

Kool aid mascotKFC mascot logoMr. Peanut mascot logo

Linh vật đơn giản chỉ là một nhân vật được minh họa để đại diện cho công ty của bạn. Hãy nghĩ về chúng như là đại sứ của công ty. Những linh vật nổi tiếng bao gồm Kool-Aid Man, KFC’s Colonel and Planter’s Mr. Peanut. Linh vật là lựa chọn tuyệt vời cho những công ty muốn tạo ra một không khí lành mạnh và thu hút gia đình và trẻ em. Hãy nghĩ về tất cả những linh vật của những sự kiện thể thao và sự linh động tuyệt vời chúng tạo ra bằng việc thu hút khán giả!

Khi nào sử dụng logo dạng biểu tượng và hình ảnh:

  • Một logo dạng biểu tượng vốn dĩ đã khôn ngoan. Nó hiệu quả nếu bạn đã có một thương hiệu được biết đến nhưng đó không phải quy tắc bất di bất dịch. Bạn có thể dùng nó làm lợi thế của mình khi thể hiện những gì công ty đang làm một cách biểu tượng nếu tên doanh nghiệp quá dài, và chúng có thể rất hiệu quả để thể hiện một ý tưởng hoặc cảm xúc.
  • Những logo biểu tượng và trừu tượng cũng khá phù hợp với những công ty toàn cầu, ví dụ, một doanh nghiệp có tên không phù hợp khi dịch ra ngôn ngữ khác.
  • Tuy nhiên, một logo biểu tượng không phải ý tưởng hay nếu bạn dự đoán sẽ có thay đổi về mô hình kinh doanh trong tương lai. Bạn có thể khởi nghiệp bán bánh pizza và sử dụng logo là hình một chiếc bánh pizza, nhưng sẽ thế nào nếu bạn bắt đầu bán cả bánh mỳ hay các món ăn khác?
  • Những logo trừu tượng cho phép bạn tạo ra một hình ảnh hoàn toàn độc nhất cho doanh nghiệp của mình, nhưng tốt nhất bạn vẫn cần một nhà thiết kế chuyên nghiệp để làm mọi thứ cho mình.
  • Hãy nghĩ tới logo linh vật nếu bạn đang cố trở nên hấp dẫn gia đình và trẻ em. Một lợi ích to lớn của linh vật là nó có thể khuyến khích sự tương tác của khách hàng nên nó là một công cụ tuyệt vời cho tiếp thị trên mạng xã hội cũng những những sự kiện ngoài đời thực. Ý tôi là, ai mà không muốn chụp một tấm hình selfie với những linh vật đáng yêu chứ?
  • Hãy nhớ rằng linh vật chỉ là một phần góp vào thành công của logo và thương hiệu, và bạn có thể sẽ không thể sử dụng nó xuyên suốt mọi tư liệu tiếp thị của mình. Ví dụ như, một hình minh họa chi tiết cao có thể trông không đẹp như vậy khi in trên danh thiếp. Nên hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng loại hình logo này.
  1. Logo tổ hợp

Logo tổ hợp là một logo bao gồm sự kết hợp của logo dạng chữ hoặc wordmark và một logo biểu tượng, trừu tượng hoặc linh vật. Hình ảnh và ngôn từ có thể được đặt cạnh nhau, xếp chồng lên nhau, hoặc được tích hợp với nhau để tạo ra một hình ảnh. Một vài sự kết hợp nổi tiếng bao gồm Doritos, Burger King and Lacoste.

Doritos logoBurger king logoLacoste logo

Bởi vì cái tên được gắn liền với hình ảnh, một logo tổ hợp là lựa chọn đa năng, với cả text và biểu tượng hoặc linh vật kết hợp cùng nhau để củng cố thương hiệu của bạn. Với một logo tổ hợp, người ta cũng sẽ bắt đầu gắn tên công ty với logo biểu tượng hoặc linh vật ngay lập tức! Trong tương lai, bạn có thể có khả năng dựa hoàn toàn vào một biểu tượng logo và không nhất thiết bao gồm tên bạn. Thêm nữa, bởi sự kết hợp của biểu tượng và text tạo ra một hình ảnh độc đáo và loại logo này thường dễ tạo ấn tượng hơn là một mình logo biểu tượng.

  1. Logo dạng emblem

Một logo dạng emblem bao gồm một font chữ bên trong một biểu tượng. Những logo này có xu hướng cho vẻ ngoài truyền thống nhưng có thể tạo ra ảnh hưởng không ngờ, nên chúng thường là lựa chọn của nhiều trường học, tổ chức và cơ quan chính phủ. Các hãng ô tô cũng rất ưa thích logo dạng emblem. Trong khi chúng có một phong cách cổ điển, một vài công ty đã hiện đại hóa một cách hiệu quả những phiên bản cũ trở thành những logo hoàn toàn phù hợp với thế kỉ 21.

Harvard emblem logoStarbucks emblem logoHarley Davidson emblem logo

Nhưng bởi chúng chú trọng vào những chi tiết cao hơn, và thực tế là tên và biểu tượng được gắn chặt với nhau, chúng có thể kém linh động hơn những loại logo trên đây. Một logo emblem lộn xộng không dễ sử dụng xuyên suốt mọi tư liệu thương hiệu. Đối với danh thiếp, một logo emblem rối rắm có thể quá nhỏ và trở nên rất khó đọc. Thêm nữa, nếu bạn có kế hoạch thêu logo dạng này lên mũ hoặc áo phông thì bạn sẽ lại phải thiết kế một phiên bản đơn giản của nó và điều này đôi khi là không thể. Nên quy tắc ở đây là đừng làm thiết kế của bạn quá phức tạp và bạn sẽ có được một vẻ ngoài mạnh mẽ, táo bạo khiến bạn giống như một chuyên gia hoàn hảo.

Khi nào sử dụng một logo tổ hợp hoặc logo emblem:

  • Một logo tổ hợp là lựa chọn tuyệt vời cho khá nhiều doanh nghiệp. Nó đa năng, thường thì độc đáo và cũng là lựa chọn phổ biến nhất của những công ty lớn.
  • Vẻ ngoài truyền thống của logo dạng emblem được ưu tiên bởi những tổ chức cộng đồng và trường học nhưng nó cũng phục vụ rất tốt cho những doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong ngành công nghiệp thức ăn – đồ uống.

Bạn đã biết được 7 loại logo chính và phổ biến. Hãy áp dụng vào thiết kế của mình nhé!

Nguồn: 99designs.com

Tham khảo khoá học sắp khai giảng và ưu đãi mới nhất! Lịch học Đăng ký ngay