5 CÁCH CẢI THIỆN TƯ DUY SÁNG TẠO
Bài viết thực hiện bởi Anh Trâm
Ngày đăng 18/09/2023

image (1)

Mùa hè là thời điểm thích hợp để nhiều sinh viên tìm kiếm cơ hội thực tập và công việc làm thêm. Đây cũng chính là khoảng thời gian lý tưởng để các bạn rèn luyện tư duy sáng tạo và kỹ năng đổi mới để có thể sẵn sàng tìm được công việc mình mơ ước sau khi tốt nghiệp.

Mọi người đều cho rằng các công ty hiện đại, bao gồm cả những công ty được cho là có tiếng tăm nhất trong ngành đều đánh giá cao tư duy đổi mới và khả năng sáng tạo của nhân viên. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa sáng tạo mà vừa không phải trải qua quá nhiều thất bại, bị đánh giá là kém thông minh, hay rơi vào lối mòn vì lặp lại những ý tưởng đã cũ rích.

Vài năm qua, trong quá trình thực hiện các cuộc nói chuyện với nhiều loại hình công ty khởi nghiệp, tôi đã tập hợp được một số công thức chung khá thú vị về tư duy đổi mới. Dưới đây là 5 cách có thể giúp bạn cải thiện khả năng sáng tạo và kỹ năng cải tiến (innovation skills)

  1. Tự hỏi và trả lời 3 câu hỏi với “Nếu…”

Nhiều bậc thầy sáng tạo thường đặt ra các câu hỏi thông minh xoay quanh một vấn đề hoặc một chủ thể có sẵn để tìm kiếm và đưa ra các góc nhìn mới mẻ hơn. Chẳng hạn Steve Jobs không hề có sẵn ý tưởng về một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) ngay từ lúc đầu, mà là quá trình ông nghiền ngẫm chiếc điện thoại di động đang thịnh hành vào thời điểm đó rồi tự đặt ra câu hỏi: “Có cách nào để cải thiện và tạo ra một phiên bản khác tốt hơn hoặc thậm chí tốt nhất không?”

Phải thừa nhận rằng không hề có công thức và định nghĩa chung nào về sự cải tiến. Mỗi cá nhân sẽ có cách tiếp cận và đưa ra một hình thức cải tiến riêng phụ thuộc vào các yếu tố như chuyên môn, sở thích, kiểu tư duy và thậm chí là loại hình đội nhóm mà họ đang tham gia.

Tôi thường gợi ý cho sinh viên xây dựng tư duy sáng tạo bằng cách đặt câu hỏi với “nếu”:

(1) Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thay đổi một vật, một hệ thống hay mối quan hệ nào đó…?

(2) Tôi nên thay đổi hoặc cải thiện điều gì nếu tôi muốn sử dụng nó trong 10 năm?

(3) Tôi sẽ làm gì nếu tôi có một khoản đầu tư trị giá một triệu đô la để cải thiện nó?

Những câu hỏi này có thể trở thành công cụ mạnh mẽ giúp bạn suy nghĩ khác biệt. Điều quan trọng là phải luyện tập bằng cách liên tục sử dụng công thức đặt câu hỏi với “nếu” (hoặc bạn tự thiết kế bộ câu hỏi cho riêng mình) khi đối mặt với các sự việc và tình huống cụ thể. Và dần dần nhiều ý tưởng mới sẽ xuất hiện.

Ví dụ, trong một vài học kỳ, tôi liên tục yêu cầu sinh viên hãy lấy chiếc xe đạp làm đối tượng và đặt 3 câu hỏi với “Nếu” để tìm kiếm ý tưởng mới. Ban đầu họ có vẻ không đồng tình và tỏ vẻ hoài nghi về phương pháp tôi gợi ý. Tuy nhiên, sau nhiều vòng thảo luận và động não, họ bắt đầu nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo mới. Sau đó, chúng tôi đã lựa chọn ra một số ý tưởng hay và đưa chúng vào các dự án khóa học quy mô nhỏ. Kết quả là vài nhóm sinh viên đã giành được một số giải thưởng tiền mặt khi triển khai áp dụng ý tưởng sáng tạo của họ vào thực tế.

2. Hãy tập mơ mộng đi!

Một nghịch lý khó tin về tư duy sáng tạo nó không hẳn là sản phẩm của trí thông minh hay thông qua quá trình giác ngộ từ một sự kiện bạn gặp phải (chẳng hạn câu chuyện phát minh ra luật hấp dẫn thông qua giai thoại quả táo rơi trúng đầu). Trái lại, tư duy sáng tạo là kết quả của quá trình đều đặn rèn luyện trí tưởng tượng, luyện tập quan sát thế giới xung quanh và một cái đầu hay mơ mộng. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng trong thời đại quá tải thông tin và cuộc sống mưu sinh nơi đô thị, nhiều người trong số chúng ta lại hay mắc kẹt ở thực tại và khó để đầu óc tự do bay bổng trong thế giới tưởng tượng.

Chúng ta thường dành hết tâm trí để hoàn thành công việc và các hoạt động thường ngày (bao gồm cả việc thao tác trên mạng xã hội như Twitter và nhắn tin, bản thân tôi đôi khi cũng mất kiểm soát về khoảng thời gian dành cho hoạt động này). Vì vậy vào cuối ngày, các ý tưởng sáng tạo chỉ có thể xuất hiện vào những lúc ta thư giãn xem tivi hoặc lúc thao tác trên máy tính. Đây là tình huống có vẻ quen thuộc với hầu hết chúng ta, đúng không?

Dù là bạn đang làm việc hay giải trí, hãy nhớ đặt câu hỏi với “Nếu” đối với các sự vật – hiện tượng xung quanh. Điều này giúp hình thành thói quen và vùng không gian tưởng tượng trong não bộ, yếu tố cần thiết đưa bạn đến với tư duy sáng tạo và không ngừng đổi mới.

  1. Dành thời gian cho tư duy sáng tạo gắn kết (cohesive creative thinking)

 

Tất cả các sách viết về chủ đề sáng tạo đều khẳng định tầm quan trọng của việc dành một lượng thời gian cụ thể cho hoạt động tư duy sáng tạo và cải tiến. Ví dụ: Google yêu cầu nhân viên phải phân bổ ít nhất 20% quỹ thời gian hàng ngày dành cho tư duy sáng tạo hoặc tìm hiểu các dự án mới. Nhưng thông thường, chúng ta hay bị bế tắc và bí ý tưởng vì 2 lý do. Thứ nhất, chúng ta ít dành thời gian để thả hồn tưởng tượng về thế giới xung quanh. Thứ hai, do chúng ta không thực hành việc tập trung gắn kết các ý tưởng.

Do đó, quy tắc tiếp theo của tư duy sáng tạo rất đơn giản: phân bổ thời gian – có thể là một giờ mỗi ngày hoặc mỗi tuần để luyện tập tư duy sáng tạo về một cái gì đó cụ thể. Một bạn đồng nghiệp đã kể với tôi rằng nhiều năm trước khi anh ấy còn là sinh viên, anh ấy bắt đầu ấp ủ các ý tưởng về điện thoại di động – chúng sẽ thay đổi như thế nào trong 10 hay 20 năm nữa. Lúc còn ở trường đại học, các bài tiểu luận của anh ta về chủ đề này đã giành được nhiều lời khen ngợi. Sau khi tốt nghiệp, anh ấy có một công việc tuyệt vời – chuyên thiết kế các ứng dụng dành cho điện thoại để làm cho chúng “thông minh” hơn và tạo ra nhiều tính năng hấp dẫn hơn.

  1. Học cách trình bày ý tưởng ngắn gọn

Ai cũng công nhận rằng ngài Steve Jobs của Tập đoàn công nghệ Apple là bậc thầy trong việc khám phá cũng như trình bày ý tưởng sáng tạo dựa trên nền tảng của các sản phẩm hiện có như laptop, điện thoại di động, máy nghe nhạc. Ông không phải là người phát minh ra những sản phẩm này nhưng chính ông là người tạo ra các phiên bản tốt hơn và quan trọng là ông sở hữu biệt tài truyền đạt và diễn giải ý tưởng một cách đầy thuyết phục trước công chúng để họ tin dùng sản phẩm của công ty ông thay vì lựa chọn các hãng khác.

Đã rất nhiều lần một số sinh viên chia sẻ với tôi rằng “Em là người đã đưa ra ý tưởng đó trước” hay “Trước đây em cũng từng đề xuất cách làm như vậy nhưng không ai chịu lắng nghe và có niềm tin vào ý tưởng đó cả”. Trước những tình huống đó, tôi đã nhấn mạnh với họ rằng “có thể bạn có ý tưởng tuyệt vời, nhưng điều đó thôi chưa đủ, bạn còn phải có khả năng trình bày ý tưởng một cách rõ ràng và hấp dẫn để thu hút sự chú ý của người nghe, giúp họ nắm bắt được cốt lõi sáng tạo trong thiết kế hoặc dự án của bạn.”

Ai đó đã từng nói rằng “nếu bạn không thể diễn đạt ý tưởng của mình ngắn gọn trong ba câu – thì đó chưa phải là ý tưởng hay”. Một trong những yếu tố then chốt của quy trình sáng tạo là kỹ năng trình bày ý tưởng một cách súc tích, ngắn gọn và rõ ràng (đủ cho một cuộc nói chuyện ngắn trong thang máy, đó là lý do kỹ năng này được gọi là “elevator pitch”). Và cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, “nghệ thuật diễn giải” chỉ được hình thành thông qua quá trình luyện tập không ngừng.

  1. Thu thập phản hồi của mọi người về ý tưởng

Ngay cả những nhà cải tiến bản lĩnh cũng cần những người xung quanh hỗ trợ trong việc thảo luận, kiểm tra và đóng góp phản hồi cho các ý tưởng sáng tạo của họ. Đặc điểm chung của những sáng chế đến từ các tập đoàn công nghệ lớn như Google hay Microsoft là gì? Chúng được tạo nên bởi một đội nhóm sát cánh làm việc với nhau từ lúc khai sinh ý tưởng, lên kế hoạch tiến hành dự án, tới việc giới thiệu ý tưởng với nhà đầu tư hoặc công chúng. Trong tiến trình đó họ không ngừng thảo luận, kiểm tra, động não, đặt ra câu hỏi phản biện, đưa ra phương án cải thiện cho đến khi nào có được một sản phẩm hoàn hảo mà giá trị lợi nhuận tính bằng hàng tỷ đô để có thể tung ra thị trường.

Do đó, loại kỹ năng mà bạn cần gọt giũa để trở thành người sáng tạo giỏi chính là khả năng phản biện và đóng góp phản hồi cho nhóm để cải tiến ý tưởng lên một tầm cao mới. Đối với một số người trẻ, điều này diễn ra rất tự nhiên, trong khi một số khác lại không giỏi trong kỹ năng làm việc nhóm. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu học hỏi và trang bị cho bản thân kỹ năng tương tác trong đội nhóm này.

Nguồn: topuniversities.com

Tham khảo khoá học sắp khai giảng và ưu đãi mới nhất! Lịch học Đăng ký ngay