Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu 10 ví dụ tiêu biểu nhất về thiết kế nhận dạng thương hiệu và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước hết cần thống nhất rằng, đây không thực sự là những thiết kế thương hiệu, doanh nghiệp tốt nhất và tất nhiên điều đó phụ thuộc vào góc nhìn và tiêu chí đánh giá của mỗi chúng ta. Chúng tôi lựa chọn ra danh sách này dựa trên những tiêu chí cá nhân và sẽ cùng bạn đọc rút ra những bài học từ chúng.
Airbnb
Một vài năm trước, Airbnb đã quyết định rằng thương hiệu của họ cần được làm mới, nên họ đã liên hệ với DesignStudio – một hãng thiết kế đến từ San Francisco – để xin sự trợ giúp. Sau khi logo của Airbnb được thiết kế lại, nó đã nhận được nhiều sự chú ý và cả sự tranh cãi đến từ cả những người trong ngành thiết kế lẫn những người ngoại đạo. Tuy nhiên cũng giống như nhiều nhãn hiệu khác khi được thiết kế lại, sau một khoảng thời gian trôi qua, việc nhìn lại dễ dàng cho kết luận rằng quyết định thay đổi logo là chính xác. Tới thời điểm hiện tại thì có thể thấy rõ ràng rằng quyết định đó đúng đắn như thế nào khi thay đổi từ lối sử dụng logo hoàn toàn là kí tự để chuyển sang sử dụng một kí tự “A” có tính biểu tượng cao hơn.
DesignStudio đã làm việc cật lực để thiết kế logo mới phù hợp với tính chất đa quốc gia, sự thân thiện và ham mạo hiểm của Airbnb. Điều đó dẫn tới việc giản lược bớt logo từ một từ xuống chỉ một biểu tượng (icon), loại bỏ rào cản về khác biệt ngôn ngữ và khiến logo mới dễ dàng được nhận diện ở mọi nơi. Bằng việc kết hợp nhiều dải màu khác nhau cùng với đa dạng các kiểu trình bày hình ảnh, người dùng thuộc bất kì nền văn hóa hay quốc gia cũng có thể dễ dàng nhận diện sự có mặt của thương hiệu Airbnb.
Bài học rút ra
Trong trường hợp này, logo cũ của Airbnb đã không phục vụ cho những giá trị và mong muốn của công ty. Airbnb đã yêu cầu không phải một sự thay đổi nhỏ hay cập nhật cho logo, mà là một biểu tượng thương hiệu hoàn toàn mới. Chúng tôi đánh giá cao Airbnb khi họ sẵn sàng thực hiện những thay đổi mang tính cách mạng đối với thương hiệu của mình vì mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn.
Spotify
Dịch vụ stream nhạc đến từ Thụy Điển đã tràn qua thị trường nhạc số và dành được lượng người dùng thường xuyên khổng lồ. Tuy vậy, thiết kế thương hiệu lúc đầu của phần mềm này có lẽ trông hơi “nước ngoài” đối với hầu hết người nghe nhạc Mỹ. Logo của Spotify lúc đó được thiết kế một cách khá cũ kĩ với một chữ O được nâng cao hơn các kí tự còn lại và (có lẽ là) những vệt sóng radio bắt nguồn từ kí tự đó.
Năm 2013, Spotify đã cập nhật thiết kế của mình, hướng tới chú trọng motif “vòng tròn với những vệt sóng radio”. Họ đã mắc kẹt với tông màu trắng và xanh trong kiểu chữ của logo nhưng cũng đưa vào những vệt sóng radio có độ đậm màu khác nhau nhằm tạo một cảm giác 3D giả.
Năm 2015, nhóm cố vấn thương hiệu Collins đã có một bước đột phá trong việc gọt giũa thiết kế logo của Spotify. Từ quan điểm của chúng tôi, họ có lẽ đã vứt bỏ hoàn toàn phong cách cũ để theo đuổi cái gì đó hoàn toàn mới mẻ và thú vị hơn. Một trong những điều tôi thích ở thiết kế thương hiệu của Spotify là việc họ đã sử dụng thành công một dải màu rộng. Trong khi màu xanh lá luôn là tông màu chủ đạo của họ, chắc chắn nó không phải là tông màu duy nhất được họ sử dụng. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc họ tận dụng thiết kế 2 tông màu (duotone), kĩ thuật chuyển sắc (gradient) và thiết kế đồ họa dạng Pop up. Những kĩ thuật đó có thể giúp kéo những nội dung trên Spotify lại gần nhau hơn cho dù dịch vụ này cung cấp nội dung nhạc từ các nghệ sĩ với phong cách rất khác nhau.
Bài học rút ra
Đừng e sợ việc sử dụng màu sắc. Hãy xem xét sử dụng những kĩ thuật thiết kế nghệ thuật không ngờ tới, ví dụ như là kĩ thuật thiết kế 2 tông màu, như là một phần của phương tiện hình ảnh của thương hiệu.
Australia Open
Giải Australia Mở rộng đã đi qua một lần thay đổi logo vào năm 2016 được thực hiện bởi hãng thiết kế Landor Australia. Những nhà thiết kế đã lấy một biểu tượng rất hiện đại và thay đổi hoàn toàn vẻ ngoài của thiết kế thương hiệu. Họ đã loại bỏ hoàn toàn những yếu tố hình ảnh khơi gợi tới vận động viên hay quả bóng tennis và đơn giản hóa thiết kế chỉ còn 2 kí tự đơn giản “AO”. Họ thậm chí còn giản lược logo Australia Open xa hơn khi mạnh tay bỏ luôn nét ngang trong kí tự “A”. Cuối cùng thì họ áp dụng mô típ đó lên cả những thương hiệu khác nữa (xem hình dưới). Kết quả cho ra một hệ thống biểu tượng thương hiệu đậm nét, đậm chất thể thao và vui vẻ. Tựu chung, họ đã bỏ đi tất cả những gì gò bó ở logo cũ.
Bài học rút ra
Đôi khi thì một logo tốt cần được tư duy lại một cách triệt để. Nếu logo hiện tại không đúng và phù hợp với những mục tiêu và giá trị mà khách hàng theo đuổi thì nó cần phải được thay đổi. Đồng thời, không nên sợ hãi việc phá hỏng một hình tượng cũ để thay vào đó một thiết kế đơn giản, hiện đại và phù hợp hơn.
Logo của thành phố Melbourne
Một ví dụ tuyệt vời để tiếp nối Australia Mở rộng là sự thay đổi logo của thành phố Melbourne vào năm 2009. Melbourne có một biểu tượng thành phố được thiết kế khá “an toàn” và dễ đoán. Nó bao gồm tất cả những thứ cần nhồi nhét cho biểu tượng của một thành phố: mặt trời, cột La mã, biểu tượng vài loài cây đặc trưng… Điều đó khiến vẻ ngoài của nó quá trang trọng và có đôi chút nhàm chán. Thành phố này còn gặp phải một vấn đề đau đầu là mỗi phòng ban hoặc sự kiện lại có riêng một logo riêng mà không có sự nhất quán nào cả.
Vào năm 2009, thành phố đã tiến hành thiết kế lại biểu tượng của mình, hoàn toàn chuyển sang sử dụng một logo mới và đồng thời giới thiệu một hệ thống nhận diện hình ảnh hoàn toàn mới. Chúng tôi muốn chú ý với bạn đọc rằng điều này là khó khăn với bất cứ tổ chức lớn nào, nhưng những tổ chức chính phủ thậm chí còn khét tiếng về việc ngăn cản những cải cách và luôn có xu hướng từ chối việc thiết kế lại biểu tượng.
Thiết kế mới cho Melbourne đơn giản là rất tuyệt vời và thú vị. Nó mang tới rất nhiều điểm tích cực cho thương hiệu của thành phố. Đầu tiên, nó thể hiện một cách rõ ràng nét văn hóa đa dạng của thành phố và khiến thành phố nổi bật hơn trong mắt của khách du lịch. Kế đến, nó giúp hợp nhất lại những biểu tượng đã tồn tại từ trước tới nay. Cuối cùng, nó tạo ra một ngôn ngữ hình ảnh có thể được sử dụng xuyên suốt những thông điệp mà Melbourne muốn truyền tải. Chúng tôi đánh giá cao những chi tiết được trau chuốt trong thiết kế mới, ví dụ như cách mà logo mới có thể được tách thành nhiều hình dạng cơ bản khác nhau, khiến nó thậm chí còn linh hoạt hơn.
Bài học rút ra
Chỉ vì logo dành riêng cho một vài đối tượng khách hàng nhàm chán không có nghĩa rằng logo mà bạn thiết kế ra cũng phải nhàm chán theo. Các thành phố thường không có biểu tượng bắt mắt nhưng Melbourne thực sự đã làm thay đổi định kiến đó. Hãy tạo ra những logo và hệ thống nhận diện đủ linh động sao cho chúng có thể được sử dụng trong đa dạng các tình huống và nhu cầu khác nhau, và như thế logo của bạn thiết kế sẽ luôn không lỗi thời!
Heart & Stroke Foundation – Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ
Logo mới của hiệp hội này có thể được xếp vào hàng đỉnh cao của chủ nghĩa tối giản. Nhà thiết kế nổi tiếng Paula Scher của hãng Pentagram đã biến một logo rất trang trọng, rối rắm trở thành một biểu tượng rất đơn giản và dễ tiếp cận. Biểu tượng đột quỵ được đặt gọn gàng ngay cạnh biểu tượng trái tim và các kí tự còn lại (“TM”) cũng được xếp gọn gàng bên cạnh biểu tượng đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ quá nổi tiếng tới mức tên của nó không cần thiết phải cho vào logo. Logo mới có thể được kết hợp với địa điểm, tên phòng ban,… và việc đó khiến logo mới trở nên đa năng hơn.
Bài học rút ra
Vẻ đẹp của thiết kế này là ở chỗ nó đã tận dụng được 2 biểu tượng tối giản mà bất kì ai cũng có thể tạo ra được khi sử dụng những phần mềm thông dụng như Microsoft Word. Và cũng như nhiều trường hợp khác trong ngành thiết kế khi mà hiệu quả cũng như nội dung truyền tải được thỏa mãn tốt hơn bằng một logo đơn giản, thay vì một phiên bản phức tạp, rối rắm hơn. Khi thiết kế một logo, đơn giản là hãy làm nó đơn giản và loại bỏ tất cả những gì không cần thiết.
Kodak
Công ty Kodak đã trải qua nhiều rắc rối trong những năm qua khi những chiếc máy ảnh kĩ thuật số đã được tích hợp tất cả những gì cần cho việc nhiếp ảnh và người dùng nhận ra rằng họ không cần phải mua và sử dụng những cuộn phim vật lý (vốn là sản phẩm mũi nhọn của Kodak) như trước nữa. Tuy nhiên, công ty này đã vượt qua nó. Trong logo được thiết kế lại gần đây, Kodak đã cho thấy họ đang quay về với gốc gác của mình. Vào năm 2006, họ đã bỏ đi chữ khối hình tượng trưng cho chữ “K” để hướng tới một hình ảnh thương mại đơn giản hơn nhưng cuối cùng họ lại thay đổi trở lại kiểu thiết kế cũ. Bằng việc sử dụng kiểu chữ phong cách san-serif, họ đã nhóm các chữ cái về bên phải của khối chữ “K”. Kể từ đó, hình ảnh thương hiệu trên bao bì sản phẩm trở nên đậm nét và đơn giản, giúp sản phẩm nổi bật hơn.
Bài học rút ra
Khi làm việc với logo của những công ty có lịch sử lâu dài và nhiều giá trị thừa hưởng như Kodak thì bạn không thể chỉ vứt bỏ hết quá khứ. Nỗ lực thay đổi logo để đạt tới biểu tượng phù hợp hơn nhưng cũng cần giữ cho nó những giá trị được thừa hưởng của quá khứ.
Deliveroo
Công ty chuyên chuyển phát đồ ăn đến từ Anh Quốc – Deliveroo gần đây đã trải qua quá trình thay đổi hình ảnh thương hiệu được thực hiện bởi DesignStudio, chuyển từ một biểu tượng với chú Kangaroo đúng nghĩa thành một phiên bản trừu tượng và gợi hình hơn. Biểu tượng mới khơi gợi một chú Kangaroo nhưng cũng đồng thời khiến người ta tưởng tượng ra một bàn tay đang ra dấu hiệu hòa bình. Họ đã chuyển qua sử dụng những nét chữ và mảng thiết kế đậm màu, mang tới một logo khỏe khắn, đầy năng lượng và đầy cá tính. Thiết kế mới quay lại phong cách thiết kế phẳng, một cách ngẫu nhiên trùng lặp với xu hướng thiết kế đồ họa đương đại. Lối thiết kế sinh động này cũng hoạt động tốt với đồng phục của đội giao hàng của Deliveroo, khiến nhân viên của họ nổi bật và dễ nhận ra trên đường phố.
Bài học rút ra
Chúng tôi yêu thích cách mà Deliveroo đã sử dụng thành công những mảng màu lớn để truyền năng lượng cho hình ảnh thương hiệu của mình. Chúng đều rất thú vị và phối hợp tốt với nhau, nhưng giá trị gốc của thương hiệu không bị mất đi khi tông màu được thay đổi. Trong khi việc thay đổi thiết kế trong trường hợp của Deliveroo được công nhận là khó khăn, việc sử dụng nhiều hơn 1 màu sắc cho hình ảnh thương hiệu có thể mang lại những lợi ích lớn hơn. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc họ đã có thể làm đồng phục tốt hơn, đẹp hơn và nhiều tính năng hơn cho nhân viên của mình. Trong thiết kế, việc cải thiện được dạng thiết kế cũng như tính năng của sản phẩm luôn luôn là một thành công của những nhà thiết kế!
Pandora
Việc đưa Pandora vào danh sách này có thể gây tranh cãi cho một số người đọc khi mà vào đầu năm 2017, Paypal đã kiện công ty này cho hành vi vi phạm nhãn hiệu. Dù sao thì, chúng tôi sẽ phân tích những yếu tố thiết kế để thấy rằng hệ thống nhận diện thương hiệu của Pandora đã được làm tốt như thế nào. Biểu tượng chính của Pandora được điều chỉnh trở thành logo dạng chữ gồm hoàn toàn chữ viết thường sử dụng kiểu chữ dạng sans-serif. Đi kèm với nó là một logo thay thế gồm chỉ một kí tự “P” với khoảng trống ở giữa bị loại bỏ đi. Điều thú vị là, thay vì rút gọn logo chính thành chữ viết thường “p” thì họ đã đưa ra dạng thu gọn là chữ viết hoa “P”.
Cũng giống như Spotify, công ty Pandora cũng cần phải đại diện cho đa dạng các phong cách âm nhạc và văn hóa. Tuy nhiên, họ thậm chí đã đi xa hơn Spotify ở khía cạnh này bằng việc điều chỉnh logo của mình để bao hàm một dải rộng các phong cách thiết kế và nhiếp ảnh. Từ quan điểm của chúng tôi, điều này thể hiện Pandora đã được đầu tư kĩ lưỡng hơn ở khâu âm nhạc hơn khác đối thủ khác trên thị trường.
Bài học rút ra
Chúng tôi đánh giá cao việc Pandora đã đưa ra nhiều logo rút gọn dành cho những phong cách âm nhạc khác nhau (xem ảnh kèm theo bài viết). Điều này cho thấy cam kết của công ty đối với cộng đồng người dùng. Đối với những thứ như âm nhạc, vốn gắn liền với tính cách cá nhân của mỗi người dùng và văn hóa bản địa, việc thương hiệu thể hiện sự nhạy cảm với những yếu tố đó là rất cần thiết.
Optus “Yes”
Đây là ví dụ mà chúng tôi yêu thích nhất đối với các thương hiệu được thiết kế lại logo trong vài năm gần đây, tất nhiên không kể trường hợp của Australia Open hay Melbourne được đề cập ở phía trên của bài viết. Re – hãng thiết kế đến từ Sydney – đã đảm nhận thương hiệu của Opt và biến nó trở thành một thứ gì đó rất tuyệt vời hơn rất nhiều. Bằng cách tận dụng câu cửa miệng “Yes” của Optus như một câu thần chú, Re thực sự đã tạo ra một phương tiện hình ảnh mới giúp cho Optus nổi bật hơn khi so sánh với tình trạng buồn chán của những biểu tượng thương hiệu của những công ty cùng ngành ở Mỹ như Comcast, Cox và Time Warner.
Logo mới được đánh giá là hiệu quả và đẹp ngay cả khi đứng một mình (một trong những phong cách khá thông minh của công ty) hay được kết hợp để trở thành phương tiện truyền tải những nội dung tiếp thị đa dạng khác, hoặc cả khi đi đi kèm những người mẫu được công ty mời quảng cáo.
Bài học rút ra
Trong khi những công ty đối thủ đang hướng tới hình mẫu những “ông lớn” công nghệ cao buồn chán, Optus đã tự hướng mình tới một Optus vui vẻ, thân thiện và đầy tính cá nhân. Công ty đã cố gắng thử nghiệm và đánh bại những đối thủ của mình trên chính cuộc chơi của họ và đồng thời đã làm tốt hơn tất cả những thiết kế mà họ đã có được trước đó. Thường thì sẽ tốt hơn nếu bạn tự tạo ra một con đường mới và sử dụng nó để trở nên nổi bật.
99u
Okay, việc liệt kê 99u vào danh sách này có thể khiến một số bạn tranh cãi khi 99u là một phần của Adobe – vốn là một ông lớn trong ngành thiết kế. Nhưng chúng ta hãy xem 99u đã làm được những gì. Có thể thấy, 99u có được sự sáng tạo thông qua bàn tay lãnh đạo của Adobe. Họ vận hành một blog tuyệt vời, phát hành sách về thiết kế và trở thành chủ nhà của một hội nghị thường niên. Vì vậy, đầu tiên thì có thể ví họ với một nhà máy chuyên sản xuất sự sáng tạo, và thứ hai, hình ảnh thương hiệu của họ gắn chặt với hội nghị thường niên nói trên vốn thay đổi mỗi năm một lần. Nếu bạn vẫn chưa bị thuyết phục rằng 99u đáng được liệt kê vào danh sách này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về 99u để thấy họ thiên tài như thế nào nhé.
Một phần cốt lõi quan trọng mà 99u đảm nhận là hội nghị thường niên. Và như thường lệ, logo của họ được thiết kế lại mới và khác biệt. Cùng lúc đó thì thương hiệu của công ty luôn luôn gắn chặt với trang web và những cuốn sách mà họ phát hành. Đó là lợi thế của việc có một hệ thống hình ảnh thương hiệu được tạo ra dựa trên những thành tố và nguyên lý thiết kế. Những chi tiết cụ thể của thiết kế có thể thay đổi những mọi thứ vẫn liền lạc.
Bài học rút ra
Đối với những thương hiệu được áp dụng cho nhiều sản phẩm khác nhau hoặc cần cập nhật một cách thường xuyên, việc tạo ra một bộ khung thiết kế để hỗ trợ sự sáng tạo và những thiết kế tươi mới trong khi vẫn giữ cho thương hiệu dễ được nhận dạng là rất quan trọng.
Zendesk
Zendesk là một phần mềm hỗ trợ kĩ thuật được nhiều nhiều công ty trên toàn thế giới sử dụng để cung cấp những giải pháp nhanh cho những khách hàng của mình. Logo gốc của họ là hình ảnh của một ông Phật hạnh phúc (nguồn gốc của Zen trong Zendesk) đang đeo một bộ tai nghe.
Nếu nhìn qua thì Zendesk có thể khiến người ta nghĩ rằng nó là một sản phẩm buồn chán. Nó đơn giản chỉ cung cấp những dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật. Logo cũ khá độc đáo và khác biệt khi nó mới được tung ra, nhưng theo thời gian nó nhanh chóng trở nên lỗi thời. Bằng việc rút gọn logo xuống chỉ còn những hình khối đơn giản, logo mới đã khiến thương hiệu Zendesk được nhận diện ngay lập tức. Họ cũng đã tận dụng lối thiết kế mới này bằng cách áp dụng nó trong tất cả những sản phẩm, dịch vụ còn lại của mình. Cuối cùng, những hình khối đơn giản này được chọn để tung ra logo mới nhờ vào những hiệu ứng chuyển động thú vị của chúng.
Bài học rút ra
Đừng sợ hãi việc sử dụng những hình khối đơn giản. Nhà thiết kế danh tiếng Aaron Draplin đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc thiết kế mọi thứ một cách đơn giản, loại bỏ những chi tiết rườm rà không cần thiết, cắt bỏ những chi tiết râu ria và gọt giũa thiết kế cuối cùng về những hình khối thiết yếu nhất. Trong khi những thiết kế chi tiết đôi khi cũng có được đất dụng võ, những thiết kế đơn giản hóa tăng cường vẻ đẹp và độ hiệu quả của thương hiệu trong hầu hết các trường hợp.
Cám ơn các bạn đọc đã theo dõi danh sách khá dài của bài viết này. Chúng tôi chắc chắn rằng danh sách này chưa thể đầy đủ và hoàn hảo và rằng chúng tôi có thể đã bỏ lỡ nhiều ví dụ tiêu biểu của những hình ảnh thương hiệu tuyệt vời khác nên chúng tôi rất hoan nghênh nếu bạn đọc cho biết thương hiệu yêu thích của mình trong phần bình luận. Rất có thể, chúng tôi sẽ có thể tổng hợp nên một danh sách 10 thương hiệu và nhận dạng thương hiệu tiêu biểu khác dựa trên bình luận của các bạn!
Đôi nét về tác giả – Scott Talbot
Scott Talbot là Giám Đốc Nghệ Thuật (Art Director) tại Lucidpress. Anh ấy yêu chó, thích đi dạo trên bờ biển và thích thiết kế các font chữ.
Nguồn: lucidpress.com