VÌ SAO NHỮNG CÔNG TY TRONG TƯƠNG LAI CẦN NHỮNG THỦ LĨNH SÁNG TẠO
Vào năm 2019, một kỹ năng được LinkedIn gọi là “kỹ năng quan trọng nhất thế giới.” Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đặt nó ở vị trí thứ 3 trong danh sách “10 kỹ năng bạn cần có được trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4.” Đáng ngạc nhiên là, nó không phải là khoa học máy tính hay trí thông minh nhân tạo, mà là một thứ mềm mại, gần gũi hơn nhiều: sự sáng tạo.
Trong cuốn sách “The Creativity Leap”, Natalie Nixon định nghĩa sự sáng tạo là “khả năng chuyển đổi giữa cảm hứng và kỷ luật để giải quyết vấn đề và mang đến những giá trị mới.” Không kể điều đó, dễ thấy vì sao sự sáng tạo sẽ trở thành một trong những yếu tố thiết yếu cho thành công trong công việc tương lai.
Nhưng nhiều nhà lãnh đạo thất bại trong việc nuôi dưỡng năng lực thiết yếu này – cả trong sự lãnh đạo của chính họ và trong tổ chức họ đang làm việc. Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra rằng 75% người lớn tin rằng họ không “đánh thức tiềm năng sáng tạo của bản thân” và họ luôn “chịu áp lực phải làm việc năng suất thay vì sáng tạo ở nơi làm việc.” Đó không phải con đường tiến tới nền kinh tế tương lai của chúng ta. Đối với những nhà lãnh đạo vẫn còn đang ngờ vực về điều này, dưới đây là ba cách họ có thể hưởng lợi từ việc ưu tiên tính sáng tạo.
Đảm bảo được lợi thế cạnh tranh
Theo một khảo sát từ Adobe and Forrester Consulting, những công ty sáng tạo “thường có được thị phần cao hơn những đối thủ của họ.” Trong những năm tới đây, tôi tin rằng lợi thế sáng tạo này sẽ còn rõ nét hơn nữa – và Warren Berger, tác giả của cuốn “A More Beautiful Question” cũng đồng tình với quan điểm này. “Hiện tại, hơn lúc nào hết, sáng tạo là công cụ cạnh tranh sẽ tạo nên sự khác biệt,” ông nói. “Cho dù bạn là một nhà khởi nghiệp, một công ty lớn, hoặc một cá nhân làm việc độc lập, nó là thứ khiến bạn nổi bật.”
Ví dụ, Tucker Marion, một vị phó giáo sư tại Đại học Northestern, đề xuất so sánh những chiếc điện thoại được sản xuất bởi Apple và Samsung. “Mới đầu, chúng có vẻ giống nhau,” ông ghi chú. “Nhưng một khi bạn đào sâu tìm hiểu hơn, bạn sẽ nhận thấy nhiều sự sáng tạo hơn trên iPhone. Ông dẫn chứng với tính năng nhận diện khuôn mặt: nó là một trải nghiệm người dùng liền mạch… Sự sáng tạo là tối cần thiết cho việc kinh doanh bởi nó giúp bạn khác biệt với đối thủ.
Nhìn về dài hạn, nghiên cứu từ McKinsey cho thấy việc có được lợi thế khác biệt này – hãy tạm gọi nó là “yếu tố sáng tạo” – có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn. Khi hãng cho điểm sáng tạo cho các công ty dựa trên “giải thưởng Cannes Lions danh giá cho hạng mục thiết kế quảng cáo và tiếp thị xuất sắc,” nó đã phát hiện ra rằng sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của những công ty sáng tạo thường tốt hơn đối thủ cùng ngành. Những công ty sáng tạo cũng được cho điểm cao hơn ở kết quả cải tiến của họ. “Sự sáng tạo là trái tim của sự cải tiến kinh doanh, và sự cải tiến là động lực của sự tăng trưởng,” tác giả kết luận.
Tăng cường giá trị con người
Người máy đang dần trở nên phổ biến, và trong khi chúng có thể thực hiện việc tính toán, lắp ráp và thậm chí làm những việc lặp lại thậm chí còn hiệu quả hơn con người, chúng vẫn thiếu đi “tính người”, mà trong đó sự sáng tạo đóng vai trò không thể tách rời. Thay vì cố gắng cạnh tranh với người máy, con người nên cố gắng bổ sung cho những công nghệ nhanh chóng phát triển xung quanh chúng ta.
Một cách để làm điều này là nuôi dưỡng sự sáng tạo. Như Neil Stevenson – giám đốc sáng tạo tại hãng thiết kế phim nổi tiếng IDEO giải thích: “Sự sáng tạo là cách chúng ta có thể gia tăng giá trị cho chính mình, trong khi vẫn phù hợp công việc và không bị thay thế bởi máy tính.” Alex Gray của WEF cũng đồng ý, “Với sự tràn ngập của những sản phẩm, công nghệ mới cũng như những phương thức làm việc mới, người lao động cần phải ngày càng sáng tạo để tồn tại. Người máy có thể đưa chúng ta đến nơi chúng ta muốn nhanh hơn, nhưng chúng lại chưa thể sáng tạo như con người.”
Tôi tin rằng công nghệ và sự sáng tạo phát huy tốt nhất khi được kết hợp với nhau, như trong trường hợp của trợ lý trí tuệ nhân tạo của Microsoft – Cortana với đội ngũ phát triển bao gồm cả nhà thơ, nhà văn và nhà biên kịch. Nghiên cứu từ Accenture ủng hộ cho quan điểm này, cho rằng “các doanh nghiệp có được sự cải tiến hiệu suất đáng kể nhất” khi con người và máy móc kết hợp với nhau. “Con người và trí tuệ nhân tạo chủ động cải thiện và bổ sung vào ưu – nhược điểm của nhau: khả năng lãnh đạo, làm việc tập thể, sự sáng tạo, kĩ năng xã hội, tốc độ, khả năng định lượng,” nhà nghiên cứu viết trên tạp chí danh tiếng Harvard Business Review.
Thiết kế tương lai
Quay trở lại bài phân tích của McKinsey về những công ty sáng tạo, gần 60% trong số này “tự nhận diện là những kẻ định hình cho ngành hoặc những kẻ dẫn đầu về cải tiến.” Chỉ một phần ba trong số những đối thủ kém sáng tạo hơn tự nhận diện bản thân theo cách tương tự. Những lãnh đạo sáng tạo nhất của tương lai vì thế sẽ không đơn thuần theo sát xu hướng của tương lai mà thay vào đó họ chính là người định hình nó.
Ở Fast Company, Courtney Feider, một nhà chiến lược sáng tạo, đã viết rằng những nhà lãnh đạo sáng tạo “nhìn nhận mọi thứ khác với người khác” và “học được gì đó mới mỗi ngày” – điều ngược lại cho phép họ “dự đoán tương lai mà họ sẽ xây dựng.” Điều này sẽ trở thành điều rất quan trọng trong thập kỉ tiếp theo, Matt Adám của IDEO giải thích, bởi “Khi những vấn đề trở nên phức tạp hơn, có ít giải pháp thể giải quyết chúng hơn. Thay vì nhìn vào những thứ có sẵn, chúng ta cần bắt đầu tìm kiếm những giải pháp mới chưa từng được áp dụng.”
Đối với những nhà lãnh đạo muốn nuôi dưỡng sự sáng tạo cho đội ngũ của mình, để thiết kế nên tương lai của chính mình, thì họ có rất nhiều chiến lược có thể thực hiện. Họ có thể trao thưởng cho sự sáng tạo (như giải thưởng “Dare to Try” của tập đoàn Tata), phân bổ thời gian dành riêng cho sáng tạo (như quy tắc 20% của Google), thiết kế không gian làm việc sáng tạo, ưu tiên những quyết định nhanh, và luôn hỏi những câu hỏi mở. Họ tất nhiên cũng có thể thuê những đội ngũ đa dạng – điều có thể dẫn tới sự sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo không nên co hẹp sáng tạo ở mức độ một “lab thiết kế” hoặc “trung tâm cải tiến”, thay vào đó họ nên đảm bảo khuyến khích sáng tạo thâm sâu vào toàn bộ tổ chức. Như Nixon viết trong cuốn The Creativity Leap: “Nếu tất cả điều chúng ta làm là tạo ra một phòng ban hay không gian dành riêng cho sáng tạo và cải tiến, thì cứ như thể chúng ta đang nói rằng có một không gian và thời gian tách biệt để sáng tạo và làm việc năng suất. Và điều này không hẳn là như vậy. Sự sáng tạo không thể tách rời với năng suất làm việc. Đó là lý do vì sao nó là thứ thiết yếu cho doanh nghiệp, chứ không phải thứ hào nhoáng nhưng vô ích. Việc mạo hiểm tích hợp không gian sáng tạo trong khắp cả tổ chức là một cách tốt nhất để không ngừng cải tiến.”
Nguồn: forbes