PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐNG THÔNG QUA  “TƯ DUY THIẾT KẾ” (DESIGN THINKING)


1

Vào bữa ăn tối một vài tuần trước, các thành viên trong gia đình tôi đã bàn luận về các dạng câu hỏi như câu hỏi khai thác thông tin, câu hỏi mở, câu hỏi sáng tạo và câu hỏi đóng. Con gái của chúng tôi – Sabrina – hiện là học sinh lớp 8 đã nói rằng cô bé đã được học về dạng câu hỏi khai thác thông tin tại trường. Là một cô bé đang ở độ tuổi thiếu niên, Sabrina luôn tự hỏi rằng tại sao việc đầu tư thời gian vào việc nghiên cứu dạng câu hỏi này lại hữu ích. Chúng tôi cũng rất tò mò về khái niệm của dạng câu hỏi này và làm thế nào để đặt ra một câu hỏi hay. Những thắc mắc này đã dẫn dắt chúng tôi đến một cuộc thảo luận sâu hơn về “nghệ thuật đặt câu hỏi”. Cũng từ sau bữa tối hôm đó, tôi nhận ra rằng Sabrina thật may mắn khi đã có cơ hội học về dạng câu hỏi này và các kỹ năng liên quan ngay từ khi cô bé còn đang học ở trường trung học.

Cô Christen Wilson – Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông tại trường Quốc tế Magellan đã hỏi rằng liệu tôi có thể viết một bài blog giới thiệu về các khóa học kỹ năng mà trường đang lên kế hoạch phát triển. Đặc biệt nhấn mạnh vào các kỹ năng sẽ được lồng ghép trong khóa học Tư duy thiết kế (Design Thinking) và các bước chuẩn bị liên quan nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để tiếp tục học cao hơn cũng như làm hành trang cho cuộc sống và công việc trong tương lai. Tôi cảm thấy rất vui khi nhận thực hiện công việc này vì tôi cho rằng đây là hướng phát triển tuyệt vời của trường Magellan vì nó phù hợp với mục đích giáo dục mà trường đang hướng đến cũng như những lợi ích chính đáng mà nó sẽ mang lại cho học sinh của trường.

2
Thế hệ con cháu tương lai sẽ phải đối mặt với một thế giới mà mọi thứ thay đổi rất nhanh so với thế hệ của chúng ta trước đây. Thế giới chúng ta đang sống hiện nay đã đầy rẫy những thách thức nhưng thế hệ tương lai còn phải đối mặt với những vần đề cam go hơn nữa. Bởi vậy việc cho trẻ em được tiếp cận với khóa học Tư duy thiết kế ngay từ khi chúng còn nhỏ là một lợi thế vì đó là công cụ hiệu quả giúp chúng hình thành tư duy giải quyết vần đề. Chúng sẽ được dạy về cách phát triển khả năng sáng tạo, chiến lược xây dựng sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề. Những chuyên gia giàu kinh nghiệm với đầu óc cởi mở, sự thấu hiểu và tư duy giáo dục khai phóng sẽ giúp con cái chúng ta kiên cường và bền chí hơn trên con đường xây dựng nền tảng thành công cho cuộc sống cá nhân và sự nghiệp khi chúng trưởng thành. Và một điều quan trọng nữa, “Tư duy thiết kế” hoàn toàn là một khóa học mang lại niềm vui thích, khích lệ sự gắn bó và thúc đẩy khao khát học tập của học sinh.

 

Tại sao sự cải tiến và khả năng sáng tạo rất quan trọng?

 

“Cải tiến – innovation” là một chủ đề được giới doanh nhân bàn luận nhiều trong những năm gần đây và nó sẽ tiếp tục nằm trong danh sách các mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Với tốc độ phát triển như vũ bão của lĩnh vực công nghệ, chúng ta hầu hết được trang bị các công cụ để tiếp cận với một lượng thông tin khổng lồ. Thêm vào đó, trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Điều này càng thúc đẩy các doanh nghiệp phải luôn đổi mới và sáng tạo không ngừng nếu muốn giữ vững thị phần trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thêm một thách thức mà con người hiện tại phải đối mặt là tìm kiếm giải pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng kiệt quệ vì dân số tăng quá nhanh. Sự mất cân bằng này đang đe dọa đến an sinh và sự phát triển của mỗi cá nhân.

Ngày nay mỗi chúng ta đều có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận với nguồn tri thức và lượng thông tin khổng lồ trên mạng. Nhưng điều quan trọng là phải sử dụng chúng như thế nào cho hiệu quả, có tận dụng được trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ việc giải quyết vấn đề, cải thiện cuộc sống hàng ngày và môi trường làm việc, để cùng kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.

Xây dựng các kỹ năng thông qua Tư duy thiết kế: Sáng tạo, tư duy cầu tiến và hơn thế nữa

Với cương vị là Huấn luyện viên tại Trường Lãnh đạo Sáng tạo THNK và từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng phương pháp tư duy lãnh đạo cải tiến (innovation leadership) có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của chúng ta. Tôi đã nhận ra điều này từ quá trình quan sát những thay đổi của bản thân mình cũng như những người tham gia khóa học này tại trường. Đến với THNK, tư duy lãnh đạo sáng tạo của mỗi cá nhân sẽ được phát huy thông qua các hình thức huấn luyện để phát triển tiềm năng lãnh đạo, kỹ thuật sáng chế cũng như các lời khuyên, phương pháp cụ thể để người học vận dụng trong việc xử lý các thách thức phải đổi mới trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

“Tư duy thiết kế” có thể giúp mọi người trở nên sáng tạo và có nhiều sáng kiến hơn. Thông qua quá trình thực hành, tất cả chúng ta có thể tạo ra những điều hữu ích, và từ đó kích thích sự phát triển của hệ tư duy tăng trưởng. Nhà tâm lý học Carol Dweck đã đưa ra khái niệm về “tư duy tăng trưởng” hay còn gọi là “tư duy cầu tiến” (Growth mindset)

3

Theo bà Dweck, người sở hữu tư duy cầu tiến tin rằng khả năng của họ sẽ cải thiện và hoàn thiện từng ngày thông qua quá trình rèn luyện và làm việc chăm chỉ, sự thông minh là điều có thể rèn luyện được mà có. Quan điểm tích cực này sẽ là động lực cần thiết tạo nên lòng đam mê học hỏi và sự kiên trì để họ phấn đấu đạt được nhiều thành tựu trong cuộc đời.

Bằng cách tiếp xúc với Tư duy thiết kế ở độ tuổi sớm như vậy, con trẻ của chúng ta sẽ vui vẻ trải nghiệm sự “sáng tạo” –  một loại năng lực có sẵn trong tất cả chúng ta, vấn đề là làm sao để “đánh thức” và phát triển nó. Hãy tin rằng sáng tạo không phải là khả năng chỉ riêng nghệ sĩ mới có, tất cả chúng ta đều có thể sáng tạo. Con cái chúng ta sẽ thấy rằng sự sáng tạo không chỉ hữu ích trong quá trình hoạt động nghệ thuật mà nó còn giúp giải quyết các vấn đề hàng ngày mà bản thân gặp phải. “Tư duy thiết kế” là công cụ giúp chúng ta khám phá và phát huy sự sáng tạo của mình.

Sáng tạo cũng là một kỹ năng được phát triển thông qua thực hành. Bạn đừng nghĩ rằng chỉ đơn thuần ngồi xem các video về sáng tạo trên Youtube là bạn cũng có thể trở nên sáng tạo. Vì vậy, sẽ rất tuyệt vời nếu các trường học đầu từ xây dựng các phòng thí nghiệm nơi học sinh có không gian để tự do thử nghiệm, dựng mô hình mẫu và tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề mà chúng tò mò muốn tìm hiểu.

Còn có nhiều kỹ năng khác bạn có thể phát triển thông qua khóa học Tư duy thiết kế, chẳng hạn như “khả năng thấu hiểu”, “kỹ năng đặt câu hỏi”, “tư duy phân kỳ – divergent thinking và tư duy hội tụ – convergent thinking”, “kỹ năng làm việc theo nhóm”….Sau khi hoàn tất khóa học, học viên có thể xây dựng cho bản thân mình các đặc điểm tính cách hữu ích cho cuộc sống như tinh thần cởi mở, sẵn sàng học hỏi cái mới; sự thấu hiểu; khả năng không sợ hãi trước thất bại, ngược lại xem thất bại chỉ là cơ hội để học hỏi và là bước đệm để đi đến thành công.

Tìm hiểu và phát triển khả năng thấu cảm

Tư duy thiết kế luôn lấy con người làm trung tâm, tất cả các giải pháp phải phù hợp với từng nhu cầu cụ thể của người dùng. Muốn làm được điều đó, bạn phải tìm hiểu và nghiên cứu cụ thể từng đối tượng người dùng về các phương diện như thói quen, sở thích, tín ngưỡng và các hoạt động hàng ngày của họ. Thông qua quá trình quan sát và phân tích đó, bạn có thể thấu hiểu được nhu cầu thực sự cũng như nắm bắt được yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình họ đưa ra các quyết định và các lựa chọn trong cuộc sống và công việc. Bằng cách thức tiếp cận và tìm hiểu này, con trẻ cũng sẽ phát triển sự thấu cảm và lòng trắc ẩn đối với mọi người xung quanh.

 

 

Nghệ thuật đặt câu hỏi

Trong bữa ăn tối, Sabrina giải thích cho chúng tôi rằng các “câu hỏi khai thác thông tin” được nhà trường sử dụng để định hình và xây dựng phần nội dung giảng dạy cho các lớp học ở mỗi học kỳ. Cô bé cũng nhiều lần sử dụng những loại câu hỏi này trong các bài tập dự án nghiên cứu khoa học của mình. Các câu hỏi phải được thiết kế sao cho vừa thu thập được các dữ liệu dùng cho việc so sánh – đối chiếu vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản của một dự án nghiên cứu hiệu quả.

4

Chúng tôi đã làm một phép so sánh giữa dạng “câu hỏi khai thác thông tin” với dạng “câu hỏi sáng tạo” hiện đang được sử dụng tại THNK. Tại THNK, câu hỏi sáng tạo được sử dụng khi nảy sinh thách thức phải bắt đầu một quá trình đổi mới. Câu hỏi sáng tạo giúp vạch rõ và định hướng công việc nhóm. Nó có phạm vi đủ rộng để thúc đẩy quá trình đào sâu thêm về chủ đề nghiên cứu hoặc vấn đề chung đang cần giải quyết bằng cách xem xét chúng dưới nhiều góc độ khác nhau, và nó cũng đủ hẹp để làm cơ sở cho việc xử lý một vấn đề cụ thể nào đó.

Cũng như học sinh của trường Quốc tế Magellan, những người học tại THNK dành một lượng thời gian đáng kể để lên danh sách câu hỏi. Việc đặt câu hỏi yêu cầu bạn đi sâu vào tìm hiểu về chủ đề và từ đó giúp bạn tìm thấy mối liên kết cá nhân và niềm đam mê với chủ đề đó. Kết nối mang tính cá nhân này là điều khiến bạn háo hức và cho bạn biết lý do tại sao bạn quan tâm về vấn đề và quyết tâm phát triển một giải pháp tốt.

Trong cuốn sách có tựa đề “The Inevitable”, Kevin Kelly nhận thấy việc đặt câu hỏi là một trong những động lực chủ yếu dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn về cách thức chúng ta làm việc, giải trí, học hành, mua sắm và giao tiếp với nhau. Ông ấy cho rằng trong tương lai, việc cài đặt tất cả dữ liệu, thông tin và tri thức vào các thiết bị điện tử thông minh sẽ giúp mọi người có được câu trả lời cho nhiều vấn đề mà không phải mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc. Một thách thức đặt ra cho máy tính là làm thế nào để cuối cùng chúng có thể tự đặt ra một câu hỏi hay. Một câu hỏi hay là câu hỏi không có một đáp án đúng nhất định. Câu hỏi đó phải dẫn dắt ta khai mở tư duy và hướng tầm nhìn tới những khía cạnh mới khác. Ông cho rằng trong tương lai, những người có khả năng tạo lập câu hỏi sẽ đóng vai trò là lực lương tiên phong dẫn đến việc hình thành nên một lĩnh vực mới, một ngành nghề mới, một thương hiệu mới, một vùng đất mới, và vô số những thứ khác giúp khai mở bản năng không ngừng khám phá của loài người.

 

Mở mang tâm trí và sẵn sàng tiếp nhận cái mới

Đặt câu hỏi luôn được xem là khởi đầu quan trọng trong tiến trình “Tư duy thiết kế”. Nó định hướng và dẫn dắt cách thức bạn nhìn nhận một vấn đề. Nhiều năm trước đây khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhân viên tư vấn, chúng tôi tiếp cận từng vấn đề bằng cách bắt đầu với việc đặt ra một giả thuyết và sau đó đưa ra nhiều giải pháp và giả định. Xuyên suốt dự án, chúng tôi sẽ khám phá các phương thức khác nhau để tìm ra câu trả lời cho các giải pháp và giả định đó.

Ngược lại với suy nghĩ của chúng tôi, quá trình Tư duy thiết kế có một khởi đầu khá cởi mở với một cuộc khảo sát mang tính bao quát về một chủ đề cụ thể. Sau đó mới tính đến việc chắt lọc và tạo ra các giải pháp mang tính mô phỏng. Trong một thế giới đầy biến động và nhiều thách thức như hiện tại thì chúng ta càng phải phối hợp với nhau để có những giải pháp thỏa đáng và chặt chẽ, luôn lấy con người làm trung tâm trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề.

Khi đánh giá và xem xét một tình huống bất kỳ ở phạm vi rộng, chúng ta cần có một tâm thái cởi mở, không thành kiến, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác và không ngại kiểm định lại các giả định của chính bản thân mình.

 

 

Làm việc theo nhóm

Loai hình làm việc theo nhóm là phù hợp nhất với hoạt động tư duy thiết kế vì quá trình này đòi hỏi có nhiều thành viên đóng góp quan điểm cá nhân ở các góc độ khác nhau. Người làm tư duy thiết kế đều thừa nhận rằng một nhóm làm việc bao gồm đa dạng các thành viên sẽ mang lại nhiều ý tưởng sáng tạo và nhiều giải pháp hơn. Sự đa dạng này thể hiện ở nền tảng xuất thân, trình độ học vấn, kinh nghiệm chuyên môn, sở thích, tính cách cá nhân, phương thức làm việc yêu thích (cố định và không cố định), kiểu tư duy (hội tụ và phân kỳ) …. Làm việc theo nhóm khuyến khích các thành viên giao tiếp, trao đổi và cùng giúp đỡ nhau thành công.

Làm việc theo nhóm giúp chúng ta có kinh nghiệm trong việc xử lý những căng thẳng và bất đồng chính kiến. Thậm chí đôi khi chính những tranh luận và bất đồng đó lại dẫn dắt ta tìm được giải pháp tốt hơn. Quan trọng hơn là cả đội sẽ có những giây phút vui mừng khi thành công cũng như cùng nhau động viên, chia sẻ những lúc chán nản và cảm giác thất bại. Những bài học này không những có giá trị tại trường học mà còn cho cả môi trường công việc và cuộc sống gia đình sau này.

 

Tư duy phân kỳ (divergent thinking) và tư duy hội tụ (convergent thinking)

Vào cuối giai đoạn khám phá (chủ yếu sử dụng tư duy phân kỳ), nhóm phải chuyển sang tư duy hội tụ và đưa ra một câu hỏi sáng tạo mang tính sơ bộ hoặc một vấn đề mang tính gợi mở để thúc đẩy các giai đoạn tiếp theo. Các thành viên sẽ tổng hợp thông tin và tìm kiếm các mô hình, xu hướng và quan điểm. Điều này sẽ là điểm bắt đầu cho quy trình hình thành ý tưởng và từ đó có nhiều giải pháp.

Phát triển ý tưởng thường sử dụng các loại kỹ thuật “brainstorming” khác nhau để tạo điều kiện cho kiểu “tư duy vượt giới hạn” (thinking out of box) phát triển. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu sẽ tập hợp các ý tưởng lại thành một vài giải pháp hoặc một phần của giải pháp. Lúc này, nhóm đưa ra các giả định và lựa chọn dựa trên điều họ học hỏi được. Kỹ năng tư duy hội tụ tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều tại thời điểm này. Trong những giai đoạn tiếp theo, các lựa chọn, giả định và các giải pháp này sẽ được kiểm tra và tạo mẫu.

Hầu hết chúng ta đều ưa thích một kiểu tư duy cụ thể nào đó, nhưng sẽ rất lý tưởng và hiệu quả nếu biết kết hợp cả hai hình thức tư duy phân kỳ và hội tụ. Và hãy chú ý đến kiểu tư duy của người bạn chọn làm đồng đội của mình.

Thất bại là cơ hội để học hỏi

Trong giai đoạn tạo mẫu và thử nghiệm, nhóm thiết kế thử nghiệm và tạo ra một nguyên mẫu (prototype) của giải pháp. Nguyên mẫu này được thử nghiệm với người dùng thực tế. Bằng cách tạo mẫu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu sẽ quyết định giải pháp nào ổn và giải pháp nào cần xem lại. Nhưng cả hai loại đều quan trọng như nhau vì chính cái chưa ổn sẽ mang lại cơ hội để nhóm biết mình cần tập trung vào thay đổi và cải thiện điều gì. Tư duy thiết kế đòi hỏi phải thực hiện các quy trình khác nhau trước khi đưa ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề của người dùng và thỏa mãn kỳ vọng của họ. Giới kinh doanh ngày nay đều thừa nhận rằng các nguyên mẫu và giải pháp lấy người dùng làm trung tâm trong quy trình thiết kế là một lựa chọn đúng đắn và hiệu quả.

Quá trình tạo mẫu và thử nghiệm dạy chúng ta rằng thất bại không có gì đáng sợ. Thà rằng chịu thất bại và học hỏi những bài học lớn còn hơn là không có thất bại và cũng không học được gì. Sẽ tồi tệ biết bao nếu nhóm không tạo ra được thành tựu gì vì bị ám ảnh nỗi sợ thất bại.

Về bản chất, trẻ em là người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chúng luôn muốn thử nghiệm và không ngại thất bại hết lần này đến lần khác. Tư duy thiết kế sẽ giúp chúng phát huy được đặc điểm này và sử dụng nó để mang lại lợi ích trong cuộc sống và sự nghiệp.

 

Sự chơi đùa

Trẻ em luôn thích chơi đùa. Tư duy thiết kế cũng là một quá trình thú vị và mang lại niềm vui thích cho con trẻ. Nó cho phép trẻ vừa chơi, vừa khám phá và học hỏi. Rõ ràng sự kết hợp giữa chơi và học luôn có hiệu quả trong việc giáo dục trẻ em.

Các trò chơi như “icebreaker”, “improvision”, và “eye-openers” luôn được lồng ghép vào trong suốt các giờ học sáng tạo. Chúng giúp tạo ra bầu không khí vui vẻ, và giúp người học thoải mái kết nối và trò chuyện cùng nhau. Nó cũng giúp ích trong việc kích thích tư duy suy nghĩ vượt giới hạn (thinking out of box) và khuyến khích việc sử dụng trực giác trong giai đoạn tư duy phân kỳ. Tư duy thiết kế bao gồm nhiều giai đoạn, nhưng mỗi giai đoạn đều có cách tiếp cận khác nhau với các trò chơi được lồng ghép khéo léo nên người học sẽ không bao giờ nhàm chán. Họ luôn được khuyến khích thử nghiệm những điều mới mẻ.

Tôi tin rằng con bạn sẽ thích nó. Tôi đã đưa Sabrina đến tham dự vài buổi học ở THNK và lần nào cô bé cũng muốn quay trở lại vào lần tiếp theo. Đó là chưa nói đến THNK chưa có phòng thí nghiệm mô hình mẫu tuyệt vời như của trường Magellan.

Tư duy thiết kế và hồ sơ người học chương trình IB

5

Chúng ta không biết thế giới sẽ thay đổi như thế nào sau 10 năm nữa cũng như không chắc chắn về những thách thức và cơ hội mà con cháu của chúng ta sẽ phải đối mặt. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm với tư cách là cha mẹ và giáo viên là giúp chúng phát triển tư duy cầu tiến (growth mindset), giúp chúng tin rằng với khả năng sáng tạo, khả năng học hỏi và giải quyết vấn đề sẽ là công cụ tuyệt vời để chúng sử dụng trong bất kỳ tình huống khó khăn nào của cuộc sống.

Trường Magellan đã áp dụng điều này với chương trình tú tài quốc tế (IB). Khi nhìn vào các hồ sơ của IB, bạn có thể thấy hầu hết các mục tiêu mà IB nhắm đến là làm sao trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để trở thành nên thuần thục về tư duy thiết kế. Bằng cách lồng ghép nhiều giờ học Tư duy thiết kế vào chương trình giảng dạy, trẻ em sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và học hỏi.

Con cái chúng ta có thể chưa hiểu được những kết quả tích cực mà chương trình học tại Magellan sẽ mang lại cho chúng, nhưng dần dần phương thức tư duy này sẽ trở nên quen thuộc và chúng sẽ sử dụng một cách tự nhiên, như là một thói quen vậy.

Một ngày nào đó, khi con trẻ trưởng thành hơn, chúng sẽ nhận ra rằng những kỹ năng và khả năng tư duy chúng đang sở hữu là một tài sản quý báu và đó là điều cực kỳ may mắn trong cuộc sống. Chúng sẽ gửi đến chúng ta – những phụ huynh và giáo viên lời cảm ơn vì đã sớm trang bị cho chúng những kỹ năng sống quan trọng bằng khóa học tư duy thiết kế.

Nguồn: magellanschool.org

Tham khảo khoá học sắp khai giảng và ưu đãi mới nhất! Lịch học Đăng ký ngay