Moj Nguyễn: Sáng tạo cùng ‘gia vị thấu hiểu’, sự cân bằng tính bay bổng và giải quyết vấn đề trong thiết kế
Những trải nghiệm của tôi về thiết kế thương hiệu có lẽ còn quá bé nhỏ. Trước đây, thương hiệu trong tâm trí tôi là một biểu tượng (logo) và nó sẽ là đại diện doanh nghiệp. Điều này chỉ ‘đúng một phần’, về sau tôi được học từ những lớp học thiết kế thương hiệu cơ bản đến nâng cao. Mới nhận ra thiết kế thương hiệu hay thiết kế nhận diện thương hiệu là một quá trình nỗ lực cung cấp cho doanh nghiệp giải pháp định vị thương hiệu tốt trên thị trường của họ..
Là trung tâm đào tạo thiết kế sáng tạo, dpiCENTER xin mở đầu chia sẻ bài viết về Nam Nguyễn – một trong các học viên tốt nghiệp khóa K25 & những trải nghiệm thú vị của anh về hành trình làm thiết kế thương hiệu.
Quyết tâm tìm hiểu nghề nghiệp và tạo cơ hội phát triển cho bản thân
Nguyễn Thái Hoàng Nam (Moj Nguyen) được biết đến với vai trò nhà thiết kế thương hiệu, thiết kế bao bì và giảng dạy tại dpiCENTER. Trước đây, khi còn là sinh viên năm 4, Nam đã cọ xát với vai trò thiết kế in-house cho các công ty, tập đoàn lớn Vingroup và sau đó là Joe Family, Hancofood..
Tiếp đó, anh trải qua nhiều vị trí thiết kế trong ngành quảng cáo, có cho mình 9 năm kinh nghiệm về thiết kế quảng cáo, thiết kế chiến dịch truyền thông từ các công ty như Golden Group, Climax, Fix, Awareness, Ogilvy..
Nam Nguyễn – Founder của Taste Design Studio
Những dự án quảng cáo mà anh từng thực hiện cùng các nhãn hàng lớn: C2, Mitsubishi Electric, Mitsubishi Industry, Double Rich, Enchanteur, Sơn Dulux, Nissan, Toyota, Cream-O, Super White Coffee, Toshiba, MSD, Mega GS, KOH Thai..
Một chút về học vấn, anh chàng đã tốt nghiệp loại khá ngành thiết kế Công nghiệp thuộc khoa Mỹ thuật công nghiệp tại Đại học Kiến trúc TPHCM và xuất sắc đạt giải nhất giải PORTFOLIO K25 ngành thiết kế đồ họa tại dpiCENTER. Ngoài ra, anh còn được nhắc đến trong các sách quốc tế..
Nam đang điều hành studio về thiết kế thương hiệu, Taste Design Studio. Bên cạnh đó, anh còn kinh doanh các thương hiệu nhỏ khác như tiệm bánh và thương hiệu in ấn. Song song với công việc chính, anh đứng lớp tại dpiCENTER môn thiết kế bao bì.
Nam Nguyễn – giáo viên môn thiết kế bao bì tại trung tâm dpiCENTER
Kể lại quá trình bắt đầu tiếp cận ngành thiết kế sáng tạo, anh thổ lộ: “Khi còn là sinh viên năm nhất, mình còn chưa biết nhiều về những lĩnh vực thiết kế đồ họa. Ba mẹ, anh, chị mình đùa rằng: “Sao mà thi hai mươi mấy điểm chỉ để sau này làm thiết kế bảng quảng cáo?”. Những tác động đó làm mình suy nghĩ nhiều hơn: “Liệu khi ra trường mình sẽ làm gì?”. Thế là bằng mọi cách mình đã tự hướng nghiệp cho bản thân”
Nam kể thêm, anh đã bắt đầu đi tham gia các sự kiện triển lãm ở thành phố để hiểu thêm về ngành. Một trong số đó, Nam tham gia sự kiện do dpiCENTER tổ chức – ngày triển lãm portfolio (tạm dịch: dự án cá nhân) truyền thống hàng năm nhằm tôn vinh những học viên thiết kế xuất sắc.
Sau khi xem tất cả các dự án thiết kế, anh chàng tỏ vẻ bất ngờ, có phần choáng ngợp, những câu hỏi, suy nghĩ hiện ra: “Những thiết kế này do người Việt làm hả?”, “Làm sao có thể thiết kế được như vậy?”..
“Vì chưa có nhiều hình dung, mình còn nhớ ngoài việc tìm trên mạng thì mình đã liên hệ dpiCENTER sau ngày sự kiện đó. Mình có đến đăng ký để được tư vấn và tham quan. Cuối cùng thì mình chọn trung tâm là nơi học tập đồng hành, môi trường rèn luyện sáng tạo song song đại học. Sau học kỳ I, học về công cụ, mình mạnh dạn tham gia làm ở các công ty. Netviet là công ty in-house đầu tiên mình tham gia, bản thân được trải nghiệm thiết kế về POP, POSM,” Anh kể lại.
Hình ảnh thuộc dự án Nước Mắm Tĩn do Nam Nguyễn & Taste Design thực hiện
Càng về sau, song song công việc thiết kế công ty, Nam càng tham gia nhiều dự án freelance nhỏ, thiết kế logo đến social / digital (áp phích quảng bá trên nền tảng mạng xã hội). Anh nhận ra bản thân có thể kiếm tiền từ ngành nghề trong lúc còn là sinh viên, anh cảm nhận được tiềm năng ngành nghề, nên đã đầu tư nhiều hơn.
“Trong quá trình trải nghiệm tuổi trẻ khi ấy, mình ‘dừng chân’ ở ‘bến thiết kế thương hiệu’ – một phân nhánh của thiết kế đồ họa. Kể từ đó, mình càng nghiên cứu nó kỹ càng hơn. Mình cảm nhận được đây là một phân nhánh phù hợp, nơi để thỏa sức sáng tạo và mang tính giải quyết vấn đề thiết kế hiệu quả,” Anh thổ lộ thêm
‘Gia vị thấu hiểu khách hàng’ là một trong những điều tiếp cận đầu tiên đạt hiệu quả khi thiết kế thương hiệu
Nam bộc bạch, ngoài việc đi học, nhờ những cọ xát thực tế về ngành nghề thông qua những công ty, môi trường đa dạng khác nhau giúp anh có nhiều trải nghiệm, và dần nó biến thành kinh nghiệm quý giá. Chia sẻ về lý do trở thành nhà thiết kế thương hiệu, anh nói:
“Ngày nay, các doanh nghiệp ngày càng mở rộng, nhu cầu trở nên tăng cao, và họ sẽ nghĩ ngay đến việc đầu tư cho mình thương hiệu, điều này hỗ trợ cho ngành dịch vụ, phát triển kinh tế của họ. Mình thích việc trở thành nhà thiết kế thương hiệu, mình sẽ đảm nhận vai trò thiết kế, đi tìm hiểu nhu cầu và cùng khách hàng thảo luận để bắt đầu đưa ra những giải pháp thiết kế phù hợp”
Hình ảnh thuộc dự án Nước Mắm Tĩn do Nam Nguyễn & Taste Design thực hiện
Thêm nữa, anh hài hước, mỗi sản phẩm do anh và đồng đội cùng thực hiện như là ‘một đứa con tinh thần đầy phấn khích’. “Mình phấn khích vì mình vừa được chơi giữa các chất liệu thiết kế dành cho khuôn khổ đưa ra tính giải pháp. Vừa bay bổng, vừa sáng tạo và kết hợp cả sự phù hợp, thấu hiểu khách hàng mục tiêu”
Nam thổ lộ cách mà anh học hỏi, tạo dựng bồi đắp kỹ năng: từ công cụ đến tư duy thiết kế như nguyên lý thị giác, nền tảng thiết kế, điều phối thị giác. “Ngoài ra, còn có cả kinh nghiệm, trải nghiệm, đặt mình vào thế của doanh nghiệp, nhóm người tiêu dùng, đưa ra những câu hỏi, tiếp xúc sâu nếu có thời gian”. Tất cả là hành trang tốt cần chuẩn bị trong quá trình thực hiện dự án.
Hình ảnh thuộc dự án Vietnam Pottery do Nam Nguyễn & Taste Design thực hiện
Và trải nghiệm học hỏi cá nhân rất quan trọng trong những thiết kế, nó sẽ trở thành kinh nghiệm sau này: “Bản thân mình đã học hỏi bằng cách tham gia các workshop của các bạn thiết kế tổ chức, đọc những bài báo, tài liệu thiết kế, đặc biệt mình startup để có thể hiểu rõ được hình thức kinh doanh”
Hình ảnh thuộc dự án Vietnam Pottery do Nam Nguyễn & Taste Design thực hiện
Khi thiết kế thương hiệu, điều đầu tiên, Nam nghĩ đến là sự phù hợp với doanh nghiệp. ‘Gia vị thấu hiểu nhãn hàng’ sẽ là chất cần phải có trong giai đoạn chuẩn bị nấu ăn (tìm hiểu), giúp mình hiểu được mong muốn của họ là gì, và mình bắt đầu cùng họ bàn bạc lên kế hoạch sản xuất.
Trong quá trình nhào nặn (thiết kế) đứa con tinh thần. Đó là sự kết hợp mang tính cộng hưởng giữa gia vị thấu hiểu (doanh nghiệp) đến những định hướng thiết kế hay hình ảnh hóa (visualize) câu chuyện thương hiệu trở thành ý niệm và cuối cùng là sự nhất quán trong thiết kế..
Hình ảnh thuộc dự án Boutique Homestay in Saigon do Taste Design thực hiện
Dự án để lại cho Nam nhiều cảm xúc nhất là ‘Nước mắm Tĩn’, anh kể lại, việc bản thân được cùng doanh nghiệp, thể nghiệm ra nhiều bản mẫu sáng tạo thương hiệu khác nhau khiến bản thân không khỏi thích thú, thử thách. “Đề bài được đưa ra, đây là loại nước mắm truyền thống cần được thương hiệu hóa, câu chuyện kế thừa từ công thức hơn 300 năm của làng chài Phan Thiết.
Mình đã cùng nhà đầu tư trong quá trình phát triển dự án, tạo nhiều điểm chạm thương hiệu rất là hay ho. Từ đó, mình bắt đầu đưa ra thông điệp chính về câu chuyện nước mắm truyền thống, cổ điển này.
Với sự đầu tư lớn, Nước mắm Tĩn được nhà đầu tư cùng mình thực hiện thiết kế cho sự kiện lớn trong Bảo tàng nước mắm Làng chài xưa, nhằm nhấn mạnh câu chuyện về công thức 300 năm của sản phẩm Nước mắm Làng Chài. Những hoạt động trải nghiệm thử ẩm thực, bàn luận về lịch sử của nước mắm để thu hút người tiêu dùng.
Họ cũng duy trì ý chí để cùng mình có thể làm ra, thay đổi tích cực sau khi nhận được phản hồi từ người tiêu dùng . Dự án này mình đã làm việc chung 4 năm, kể từ lúc thiết kế thương hiệu đến các hoạt động sau đó. Bây giờ thì bên họ cũng có ‘thiết kế tại nhà riêng’,” Anh chia sẻ!
Phần cấu trúc chai đáng để học hỏi, về cấu trúc biểu mẫu, Nam & Taste Design Studio đã nghiên cứu cấu trúc cổ của Tĩn, sau đó cấu trúc lại và thiết kế lại. Có sự tinh chỉnh trong việc thiết kế hình dáng chai lọ phù hợp cho việc cầm nắm và sử dụng nó dễ dàng trong nhà bếp và bàn ăn.
Hình ảnh thuộc dự án Boutique Homestay in Saigon do Taste Design thực hiện
“Chất liệu gốm cho bao bì bên ngoài giữ nguyên độ nhám, kết hợp với việc in ấn các yếu tố nhãn mác như nhận diện thương hiệu, thông tin sản phẩm. Bên trong chai ‘Tĩn’ được tráng một lớp men đặc biệt để đảm bảo nước mắm không bị biến chất trong thời gian dài,” Trích dẫn từ giới thiệu dự án của Taste Design Studio.
Nam bộc bạch về kế hoạch tương lai của anh: “Mình đang đầu tư vào dự kết hợp với doanh nghiệp tạo thương hiệu mang tính kết nối cộng đồng. Đây là một trong những kế hoạch quan trọng mà mình sẽ thực hiện với họ. Cùng lúc đó, là tập trung vào studio nhỏ của mình cùng công tác truyền cảm hứng thông qua các lớp học thiết kế sáng tạo nói chung..”
Viết bài: Lê Quan Thuận. Thiết kế ảnh bìa: Hải Anh, Lê Quan Thuận.