HƯỚNG DẪN CHI TIẾT NHẤT CÁCH THIẾT KẾ MỘT LOGO
Bạn có thấy một thương hiệu lớn nào không có logo không? Không. Đó là bởi vì không có doanh nghiệp lớn nào như vậy cả. Một logo có ảnh hưởng lớn tới cách khách hàng sẽ nhìn nhận thương hiệu của bạn. Nên một cách tự nhiên, bạn muốn logo của mình phải thực sự nổi bật. Nhưng làm cách nào bạn có được điều đó?
Đừng băn khoăn về điều đó! Bài chỉ dẫn bỏ túi này sẽ dạy bạn mọi thứ bạn cần biết để thiết kế một logo hoàn hảo cho bạn và doanh nghiệp của bạn. Từ việc định nghĩa nhận diện thương hiệu và những hiểu biết tạo ra một logo tuyệt vời, cho tới việc đưa ra những quyết định thiết kế đúng đắn và điều hướng quá trình thiết kế, hãy tiếp tục đọc hết bài viết này nhé!
Dưới đây là những bước quan trọng nhất để thiết kế một logo:
—
Bạn có thể đang hỏi bản thân: Tôi có thể thiết kế logo của mình như thế nào? Đây là những bước bạn cần thực hiện:
- Hiểu vì sao bạn cần một logo
- Định nghĩa nhận diện thương hiệu của bạn
- Tìm kiếm cảm hứng cho thiết kế của bạn
- Tìm hiểu về sự cạnh tranh trong cùng ngành
- Lựa chọn phong cách thiết kế của bạn
- Tìm ra loại hình logo phù hợp
- Chú ý tới màu sắc
- Lựa chọn kiểu chữ phù hợp
- Trao đổi, bàn bạc với nhà thiết kế của bạn
- Đánh giá những lựa chọn logo của bạn
- Những việc nên tránh khi thiết kế một logo
- Tích hợp thiết kế logo vào thương hiệu của bạn
- Hiểu vì sao bạn cần một logo và vì sao cần một logo tuyệt vời
—
Một bộ thiết kế nhận diện thương hiệu và logo, thực hiện bởi nnorth
Thực ra kinh doanh khá giống với việc hẹn hò – bạn đang cố gắng thu hút những khách hàng phù hợp và khiến họ “gục ngã” trước thương hiệu của bạn. Nên hãy nghĩ về logo của mình như là bức ảnh avatar trong trang cá nhân hẹn hò của bạn. Nó là thứ sẽ khiến người ta cảm thấy hứng thú và thử tìm hiểu thêm về bạn (hoặc vuối sang trái bởi bạn không dành cho họ). Nên bạn muốn bản thân trông ấn tượng nhất, đúng chứ?
Logo của bạn sẽ có một ảnh hưởng đáng kể vào ấn tượng ban đầu doanh nghiệp tạo ra: Nó sẽ mang đến những thông tin về thương hiệu cho khách hàng và cho họ biết liệu nó có dành cho họ hay không.
Bởi logo là phần quan trọng như thế đối với thương hiệu, bạn cần đảm bảo nó được thực hiện tốt. Logo sẽ xuất hiện trên tất cả những tư liệu tiếp thị của bạn. Nó sẽ đập vào mắt người tiêu dùng khi nhìn vào website, bao bì và cả danh thiếp của bạn. Hãy khiến nó đáng đồng tiền bát gạo! Một thiết kế tuyệt vời và chuyên nghiệp không chỉ có sức mạnh truyền tải giá trị bạn đại diện. Nó sẽ cũng tạo ra ấn tượng ban đầu tốt và giúp bạn nổi bật giữa những đối thủ cạnh tranh.
- Định nghĩa nhận diện thương hiệu của bạn
—
Logo thiết kế bởi Sava Stoic.
Bạn muốn logo của mình truyền tải cá tính của thương hiệu. Và để thực hiện điều này, đầu tiên bạn cần hiểu cá tính thương hiệu của mình là gì. Một khi bạn có một ý tưởng rõ ràng về những thứ khiến bạn độc đáo và thương hiệu của bạn là về thứ gì, sẽ dễ dàng hơn nhiều cho bạn để đưa ra những lựa chọn thiết kế bổ sung và hoàn thiện cho bức tranh đó.
Đây là một số câu hỏi bạn có thể hỏi bản thân, để hiểu thấu cốt lõi của nhận diện thương hiệu của mình:
- Vì sao chúng ta lập nên doanh nghiệp này?
- Đâu là những niềm tin và giá trị quan trọng đối với công ty của chúng ta?
- Điều gì chúng ta làm tốt hơn bất cứ ai khác?
- Điều gì khiến chúng ta đặc biệt?
- Nếu chúng ta có thể miêu tả thương hiệu với chỉ 3 từ, thì đó là 3 từ nào?
- Tìm kiếm cảm hứng cho thiết kế của bạn
—
Phần khó nhất của quá trình thiết kế có thể là tìm kiếm cảm hứng logo. May mắn là chúng tôi có một số thủ thuật cho bạn để khiến điều này dễ dàng hơn.
Bắt đầu bằng việc động não
Thiết kế logo dành cho idearoute brandsformed®.
Có lẽ bạn là một người thiên về concept và muốn khởi đầu bằng việc thu thập những ý tưởng ngôn từ. Một khoảng thời gian động não hiệu quả là thứ bạn cần để ghim lại vẻ ngoài và cảm giác bạn đang cố gắng có được. Đây là 3 bước sẽ giúp bạn vẽ ra những ý tưởng logo sáng tạo tốt nhất:
- Theo những quy tắc của việc động não: động não là để lấy ra những ý tưởng (thậm chí là những ý tưởng tồi tệ) và viết chúng ra giấy. Thậm chí một ý tưởng dở tệ cũng khơi mào cho một cuộc trò chuyện dẫn tới giải pháp thiên tài.
- Hãy nghĩ giống khán giả của bạn: Hãy lập một danh sách các từ ngữ mô tả thương hiệu của bạn và cách bạn muốn nó được nhìn nhận. Hãy nghĩ giống một người thuộc tệp khách hàng của bạn và luôn luôn nhớ những gì quan trọng đối với họ.
- Để mọi người tham gia: một mình động não cũng được, nhưng sự đa dạng sẽ khiến điều kỳ diệu xảy ra. Hãy mời mọi người từ mọi phòng ban hoặc thậm chí bạn bè và đối tác kinh doanh. Càng nhiều quan điểm, càng tốt.
Logo dành cho Crypto Caveman được thiết kế bởi Virtuoso”
Logo dành cho Sweet Trip được thiết kế bởi Terry Bogard
Khi nói đến việc động não về logo của bạn, đừng sợ khi suy nghĩ khác biệt và thậm chí là lập dị một chút. Hãy xem cách những logo như của Crypto Caveman và Sweet Trip đã kết hợp những ý tưởng mà bạn không nhất thiết gắn với nhau một cách khôn ngoan như thế nào – như tiền ảo hay những người tối cổ hay một chú ong mật và một dấu ghim trên bản đồ? Những lựa chọn logo nguyên bản này giúp họ thể hiện tính cách và nổi bật giữa thị trường.
Tạo ra một bảng tâm trạng
Nếu bạn là một con người thiên về hình ảnh, một bảng tâm trạng có thể là một công cụ hoàn hảo cho bạn để tìm cảm hứng. Bạn có thể tạo ra một bảng tâm trạng thật bằng cách cắt và ghi những hình ảnh in ra hoặc tạo ra một bảng dạng kỹ thuật số (Pinterest là lựa chọn rõ ràng trong trường hợp này). Hãy đơn giản là thu thập tất cả những hình ảnh bạn cảm thấy liên quan – những cái có thể là những logo khác, những tổ hợp màu sắc, những hình minh họa hoặc đồ họa, hãy thỏa sức theo ý mình! Bạn sẽ thấy, bảng tâm trạng sẽ ngay lập tức phản ánh phong cách và tính năng thiết kế nào bạn đang hướng tới.
Logo dành cho Simply Rooted thiết kế bởi Virtuoso”
Logo dành cho Rugged thiết kế bởi KaWolfram
Hãy nghĩ về cách doanh nghiệp của bạn có thể được trực quan hóa trong logo của bạn. Simply Rooted hoạt động chủ yếu với các loại thực phẩm địa phương, gần gũi và logo hoài cổ của họ phản ánh một cách hoàn hảo điều này với hình ảnh những loại rau củ được vẽ tay. Nếu bạn muốn có một vẻ thẩm mỹ tương tụ, bảng tâm trạng của bạn có thể bao gồm những hình ảnh là những logo hoài cổ, những hình minh họa thủ công và những màu và hình khối hữu cơ. Hoặc hãy xem qua cách logo của Rugged trực quan hóa nhận diện thương hiệu “thô ráp – rugged” bằng một logo dạng wordmark táo bạo và gồ ghề, nhưng vẫn hàm chứa tinh thần sang trọng với một hiệu ứng ánh vàng phản chiếu. Bảng tâm trạng của bạn cho bạn cơ hội để kết hợp tất cả những yếu tố đó cùng nhau.
- Tìm hiểu về sự cạnh tranh trong cùng ngành
—
Nơi tốt nhất để vay mượn ý tưởng chính là ở nơi đối thủ cạnh tranh của bạn! Hãy kiểm tra ngoài kia họ đang làm những gì, họ đã làm tốt những gì với khán giả của bạn và nên tránh những gì. Trong khi nhìn vào những doanh nghiệp khác, hãy nghĩ cách khiến bạn khác biệt với họ và cách bạn nhấn mạnh những khác biệt này trong thiết kế logo của mình.
Hãy đảm bảo khiến bạn khác biệt với những đối thủ cạnh tranh. Nếu tất cả doanh nghiệp trong ngành sử dụng màu đơn sắc, có thể bạn nên thử với một vài màu sắc để trở nên nổi bật hơn. Nếu mọi người khác là truyền thống, có thể một chút nét vui vẻ và hiện đại sẽ thu hút sự chú ý.
Một logo kế toán truyền thống dành cho Orthrus Venture, thiết kế bởi Genovius
Một logo kế toán hiện đại dành cho Tidy Finance, thiết kế bởi minimalexa
Một logo kế toán vui vẻ và nhẹ nhàng dành cho HotToast, thiết kế bởi scribe
Hãy cùng xem 3 logo kế toán trên đây và xem cách chúng truyền tải cá tính của thương hiệu. Logo sư tử dành cho Orthrus Ventures thì cổ điển và khả tín, trong khi logo của Tidy Finance có vẻ hiện đại và ngầu hơn. Tuy nhiên, nếu bạn hướng tới sự vui vẻ và dễ gần thì hãy để Hot Toast truyền cảm hứng cho bạn với gam màu sáng và hình minh họa khác thường.
- Lựa chọn phong cách thiết kế của bạn
—
Giờ bạn đã có một ý tưởng rõ ràng về thương hiệu và tìm kiếm được cảm hứng, đây là lúc để bắt đầu biến chúng thành thiết kế. Có nhiều thành phần khác nhau đóng vai trò ở đây, từ màu sắc, hình khối và đồ họa cho tới kiểu chữ. Việc cách ly mỗi thành phần và vai trò của mỗi thứ với logo sẽ giúp bạn thực hiện thiết kế từng bước một, hơn là bị choáng ngợp với cả thiết kế một lúc.
Khi nghĩ về logo của bạn, điều đầu tiên bạn cần làm là lựa chọn một phong cách thẩm mỹ phù hợp cho thương hiệu của mình. Không có loại logo nào phù hợp cho tất cả mọi người, chỉ có một loại tốt nhất cho công ty của bạn.
Một logo cổ điển dành cho Wolfcrest, thiết kế bởi eLyateh
Cổ điển
Những logo hợp thời có thể vui vẻ và thú vị, nhưng chúng có thể nhanh chóng lỗi thời. Một phong cách cổ điển mang lại sức sống lâu bền hơn và có thể giúp bạn vươn tới nhóm khách hàng rộng lớn hơn. Vẻ đẹp thẩm mỹ này luôn giữ sự đơn giản và không mạo hiểm với những bảng màu, chi tiết đồ họa và kiểu chữ điên cuồng. Một phong cách cổ điển cho người ta thấy rằng bạn khả tín và gần gũi.
Một thiết kế hoài cổ dành cho Timber Cafe, thực hiện bởi Sava Stoic
Phong cách hoài cổ
Đây là lý do những thiết kế hoài cổ đang trở nên phổ biến gần đây. Chúng lập tức gợi nhớ về quá khứ và thể hiện cảm giác hoài niệm lãng mạn. Một logo hoài cổ cho khách hàng thấy lịch sử là quan trọng với bạn và rằng bất cứ thứ gì bạn bán được làm đúng. Những logo minh họa dạng vẽ tay với bảng màu be và nâu hoàn toàn phù hợp với phong cách đẹp mắt này.
Một logo đối xứng đơn giản, siêu đơn giản dành cho Ultra, thiết kế bởi artsigma
Hiện đại và tối giản
Các thương hiệu thường chọn một phong cách sạch sẽ và tối giản để truyền tải rằng họ tươi mới và hiện đại như thế nào. Phong cách này sử dụng một tỷ lệ không gian trống lớn, những chi tiết tối thiểu và những đường nét đơn giản để tạo ra những logo trơn tru, tinh tế. Phong cách tối giản và hiện đại cho khách hàng thấy thương hiệu của bạn là thời thượng, ngầu và biết những gì quan trọng.
Một logo đầy màu sắc và khác thường dành cho The crafting cactus, thiết kế bởi ananana14
Vui vẻ và kỳ dị
Đây là lựa chọn phổ biến cho những thương hiệu nhắm tới đối tượng người tiêu dùng trẻ trung. Phong cách vui vẻ và kỳ dị có xu hướng đầy màu sắc và đáng yêu và thường dùng những biểu tượng hoặc hình minh họa để tạo ra một tinh thần thân thiện và tích cực. Hãy lựa chọn một linh vật khác biệt hoặc một hình minh họa ngọt ngào để khiến nhân vật vui vẻ của thương hiệu có thể tỏa sáng.
Một logo vẽ tay một cách nghệ thuật dành cho Windhorst, thiết kế bởi bo_rad
Vẽ tay và thủ công
Phong cách thủ công truyền tải một thông điệp rõ ràng: thương hiệu này mang dấu ấn cá nhân và đại diện cho chất lượng thủ công. Phong cách này phù hợp khi kết hợp với những phong cách thẩm mỹ khác, như hoài cổ, để thực sự truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Nhưng nó cũng có thể được kết hợp với phong cách tối giản và vui vẻ để có được một vẻ ngoài đơn giản, tinh tế nhưng sáng sủa và trẻ trung.
Bạn vẫn chưa chọn được phong cách nào phù hợp cho mình?
Tất nhiên những phong cách này có thể được hòa trộn và kết hợp một cách linh hoạt để phù hợp với thương hiệu của bạn. Ví dụ, thương hiệu của bạn có thể vừa vui vẻ vừa mang tính thủ công, chỉ cần nhìn vào cách logo minh họa khác thường dành cho The Crafting Cactus làm điều đó.
- Tìm loại logo phù hợp
—
Bên cạnh phong cách thiết kế, có 7 loại logo mà bạn cần cân nhắc lựa chọn khi bạn thiết kế logo của mình. Bạ có thể lựa chọn loại phù hợp với tên công ty hoặc thẩm mỹ nói chung hoặc kết hợp chúng để tạo ra một tác phẩm độc đáo.
Logo dạng chữ (lettermark) dành cho Mark & Scribe, thiết kế bởi mm graphics
Logo dạng wordmark dành cho One, thiết kế bởi artsigma
Logo dạng chữ (lettermark)
Logo dạng chữ có thể là lựa chọn tuyệt vời cho logo của bạn, đặc biệt nếu tên công ty rất dài hoặc khó nhớ. Khá nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng những chữ cái đầu của tên công ty làm logo của mình, ví dụ như HP, CNN hoặc H&M. Những logo dạng chữ này thường là những logo tối giản tuyệt vời, nhưng cần nhớ rằng chúng không dễ thể hiện được doanh nghiệp của bạn làm gì.
Logo wordmark
Wordmark là cách trực tiếp nhất khi sử dụng tên của công ty để làm logo. Để mang đến cá tính và giá trị nhận diện, vấn đề nằm ở việc lựa chọn kiểu chữ – chỉ cần nhìn vào logo dạng wordmark dành cho ONE. Nếu bạn có một cái tên thương hiệu tuyệt vời, đây có thể là cách hoàn hảo để thực hiện logo của bạn.
Logo biểu tượng dành cho Storm, thiết kế bởi Spoonlancer
Logo trừu tượng dành cho Printy, thiết kế bởi artsigma
Linh vật dành cho Gadget Mole, thiết kế bởi 3AM3I
Logo dạng biểu tượng
Logo dạng biểu tượng là thứ chúng ta thường nghĩ tới khi chúng ta nghe về “logo”. Chúng là những hình ảnh mang tính biểu tượng dễ nhận diện và đại diện cho thương hiệu của bạn chỉ với một hình ảnh. Bạn có thể lựa chọn thứ gì đó đơn giản hóa hoặc phức tạp hơn, nhưng cần đảm bảo rằng chọn một biểu tượng tạo ra sự kết nối độc nhất tới thương hiệu của mình. Thường thì chúng được đi cùng với một logo dạng wordmark (bạn biết đấy, để khách hàng biết tên bạn….chí ít là tới khi bạn ngang hàng với Apple về mặt nhận diện thương hiệu).
Logo trừu tượng
Thay vì một biểu tượng dễ nhận diện, logo trừu tượng sử dụng những hình ảnh đối xứng nhưng không thiết lập một kết nối tức thời với một hình ảnh có sẵn mà tạo ra một thứ gì đó hoàn toàn mới cho thương hiệu của bạn. Một logo trừu tượng sẽ cô đọng doanh nghiệp của bạn thành một biểu tượng độc đáo một cách đúng nghĩa cho thương hiệu của bạn. Logo dành cho Printy cho thấy một biểu tượng trừu tượng có thể trông hiện đại như thế nào, trong khi vẫn mang nhiều nét cá tính thương hiệu. Nếu bạn muốn logo trừu tượng của bạn tạo ra một tâm trạng hoặc cảm giác nhất định, hãy tìm ra ý nghĩa của những hình khối đối xứng khác nhau.
Linh vật
Logo linh vật là một cách vui vẻ để mang đến cá tính cho thương hiệu. Chúng thường nhiều màu sắc, dạng nhân vật hoạt hình đại diện cho doanh nghiệp của bạn theo một cách dễ gần và thân thiện với gia đình, giống ví dụ đầy hứng khởi của Gadget Mole trên đây.
Logo dạng kết hợp dành cho Brite Side, thiết kế bởi ludibes
Logo dạng emblem dành cho Rockwell Lighthouse, thiết kế bởi Project 4
Một logo dạng kết hợp là chính xác những gì cái tên của nó thể hiện: nó kết hợp một biểu tượng với một logo dạng wordmard để tạo ra một logo dễ nhận diện. Tên thương hiệu hoặc được đặt cạnh biểu tượng, hoặc được tích hợp vào thành phần đồ họa, như nhà thiết kế ludibes minh họa với logo của Brite Side. Người xem sẽ gắn cả hai thành phần thiết kế với thương hiệu của bạn – điều cho phép sử dụng chúng cùng nhau hoặc riêng rẽ đều được.
Logo dạng emblem
Tương tự với logo dạng kết hợp, logo dạng emblem thường là tổ hợp của những thành phần ngôn từ và hình ảnh. Chúng thường bao gồm text được tích hợp với biểu tượng hoặc tranh minh họa, ví dụ như huy hiệu hay con dấu. Logo kiểu này của The Rockwell Lighthouse cho thấy, cách những hình khối và đường nét truyền thống này có thể cho bạn một vẻ ngoài rất cổ điển và mẫu mực như thế nào.
- Chú ý tới màu sắc
Màu sắc có thể có nhiều hàm nghĩa khác nhau. Tâm lý học đằng sau màu sắc thì khá phức tạp, nhưng để ngắn gọn thì các màu sắc khác nhau gắn liền với những cảm xúc và ý tưởng khác nhau. Để tìm hiểu thêm về lý thuyết màu sắc, hãy đọc thêm bài hướng dẫn chi tiết của chúng tôi về màu sắc logo và những ý nghĩa của chúng.
Logo màu đỏ dành cho Food Hunger, thiết kế bởi Yo!Design
Logo màu vàng và cam dành cho Mynergy, thiết kế bởi Hermeneutic ®
Logo màu xanh lá dành cho Urban Toad, thiết kế bởi J_Ivan
Logo màu xanh da trời dành cho message bottle, thiết kế bởi bo_rad
Logo màu hồng và tím dành cho Clara’s, thiết kế bởi Polly_
Logo màu nâu dành cho Golden Dates, thiết kế bởi Zvucifantasticno
- Đỏ: màu đỏ đại diện cho sự hứng thú, đam mê và tức giận. Nó là lựa chọn tuyệt vời nếu thương hiệu của bạn ồn ào, trẻ trung và mong muốn được nổi bật.
- Cam: cũng đầy năng lượng như màu đỏ nhưng cam lại được dùng ít hơn nhiều. Đây là gam màu rực rõ, nghịch ngợm và mang đầy sinh lực.
- Vàng: nếu bạn muốn mình trông thân thiện và dễ gần, màu vàng là lựa chọn đúng đắn. Nó mang đến một cảm giác phấn khởi, dễ gần và đầy năng lượng trẻ trung.
- Xanh lá: đây là màu cực kì đa năng và có thể phù hợp với hầu như mọi thương hiệu. Nó đặc biệt hoàn hảo cho những thương hiệu muốn thiết lập mối liên hệ với tự nhiên.
- Xanh da trời: là một lựa chọn rất cổ điển và phổ biến. Nó êm dịu, mát mẻ và biểu tượng cho sự trưởng thành và đáng tin cậy.
- Tím: đây là vé của bạn đến với vẻ ngoài sang trọng. Phụ thuộc vào sắc độ, tím có thể mang hơi hướng bí ẩn, chiết trung hoặc nữ tính.
- Hồng: nếu thương hiệu hướng tới nữ giới, không gì tốt hơn màu hồng. Nhưng đó không phải tất cả! Với những sắc thái như hồng phấn chì, hồng hiện đại hay ánh hồng neon, màu hồng có thể mang lại logo của bạn vẻ ngoài trưởng thành và ngầu nhưng vẫn trẻ trung và nữ tính.
- Nâu: màu này đầu tiên có thể khiến bạn lạ lẫm, nhưng nó khá hợp với những logo hoài cổ mang hơi hướng thô ráp và cơ bắp. Nó có thể mang lại vẻ ngoài độc đáo, phong trần và thủ công cho thương hiệu.
- Đen: nếu bạn tìm kiếm một vẻ ngoài hiện đại, sang trọng và trơn láng, màu đen là lựa chọn tuyệt vời. Một màu logo đen – trắng tối giản là cách hay để giữ mọi thứ đơn giản và hiệu quả.
- Trắng: bạn có muốn logo của mình trông sạch sẽ, hiện đại và tối giản ư? Hãy sử dụng nhiều khoảng trắng trong logo của bạn. Là một màu trung tính thì nó có thể kết hợp với tất cả các màu sắc khác và bổ sung sự sạch sẽ, trẻ trung vào thiết kế.
- Xám: đây là màu tối thượng nếu bạn muốn có được một vẻ ngoài trưởng thành, cổ điển và nghiêm túc. Sắc thái xám tối hơn trông sẽ bí ẩn hơn, trong khi sắc thái xám nhạt hơn có vẻ dễ gần hơn.
Kết hợp các màu sắc
Tất nhiên bạn không cần gắn với một logo đơn sắc với chỉ một màu, nhưng bạn có thể kết hợp nhiều màu để kể câu chuyện thương hiệu của mình. Để chọn những màu phù hợp với nhau, hãy cùng nhìn vào bánh xe màu sắc.
- Những màu bổ sung nằm đối diện trực tiếp với nhau trên bánh xe màu. Chúng làm nổi bật lẫn nhau và tạo ra vẻ ngoài năng động.
- Những màu tương tự là những màu nằm cạnh, hoặc gần nhau trên bánh xe màu. Nếu bạn muốn logo của mình có màu sắc hài hòa, những màu tương tự kết hợp với nhau khá ổn.
- Những màu bổ sung bộ ba là bộ 3 màu nằm cách đều nhau trên bánh xe màu sắc. Hãy chọn chúng để mang lại hiệu ứng táo bạo và kích thích.
Trong logo của Soul Glow, những màu tương tự phối hợp một cách hài hòa với nhau. Thiết kế bởi Dudeowl.
Những màu bổ sung là xanh da trời và cam trong logo này khiến cả hai màu đều trở nên nổi bật. Thiết kế bởi onripus.
- Chọn kiểu chữ phù hợp
—
Bạn muốn chọn một font chữ bổ sung và hoàn thiện cho logo của mình. Dưới đây là 4 loại kiểu chữ cơ bản có thể mang đến cho logo của bạn một vẻ ngoài độc đáo
Một font serif cổ điển và thanh lịch được thiết kế bởi sonjablue
Một logo với kiểu chữ dạng sans serif hiện đại, thiết kế bởi simolio
Kiểu chữ dạng serif
Hãy xem kiểu chữ mang tới vẻ ngoài sang trọng và không lỗi thời như thế nào? Những kiểu chữ dạng serif có thể khiến logo của bạn trông cổ điển và cao cấp hơn. Serif là những “cái chân” nhỏ ở phần cuối chữ, thứ khiến chúng hơi cũ kĩ một chút. Thực ra chúng rất đa năng và trông tuyệt vời với bất cứ loại thiết kế nào, nhưng đặc biệt phù hợp với những thiết kế hoài cổ, tinh tế và cổ điển.
Kiểu chữ dạng sans serif
Những kiểu chữ dạng sans serif là lựa chọn hoàn hảo để có được vẻ ngoài hiện đại và sạch sẽ. Chúng không có phần chân như các font serif và điều này khiến chúng trơn láng và đơn giản. Loại font này rất phù hợp với những thương hiệu hiện đại, giống như logo tối giản và ngầu của Delta Salt trên đây.
Một logo kiểu vẽ tay với font script, được thiết kế bởi Mad pepper
Một font chữ màn hình trang trí được thiết kế bởi Fe Melo
Kiểu chữ script
Kiểu chữ script là sự mô phỏng lại chữ viết tay. Từ những font thư pháp tinh tế cho tới những kiểu chữ gần gũi, thư giãn, có sẵn rất nhiều lựa chọn font script ngoài thị trường. Hãy sử dụng chúng để khiến logo của bạn mang dấu ấn tự nhiên hơn, giống như logo của Moon Rabbit trên đây.
Kiểu chữ màn hình
Những font chữ màn hình là những font chữ trang trí có phong cách đậm nét và thực sự bắt mắt. Hãy cùng nhìn vào logo của Perfect You trên đây sử dụng một font chữ màn hình để mang tới cho logo một âm hưởng vui vẻ của thập niên 1970.
Kiểu chữ của bạn có thể trở nên thực sự mạnh mẽ khi bạn kết hợp những font chữ với nhau. Hãy xem qua bài hướng dẫn lựa chọn kiểu chữ cho thương hiệu của bạn ở đây.
Kết hợp những thành phần thiết kế của bạn lại với nhau
Thiết kế bởi vraione
Thiết kế bởi Vectorila
Giờ bạn đã có ý tưởng về tất cả các thành phần khác nhau của logo, bạn cần đảm bảo chúng kết hợp hiệu quả với nhau. Bạn muốn ghép cặp chúng theo cách hài hòa để tạo ra tinh thần mà thương hiệu theo đuổi.
Logo dành cho thương hiệu mỹ phẩm chăm sóc da Voany cho thấy nó là một thương hiệu tinh tế, cao cấp tự nhiên, sử dụng một logo tổ hợp trong một hình khối hữu cơ, một kiểu chữ serif cổ điển, và một bảng màu tự nhiên với nâu và be. Mặt khác thì Reflect Academy trông đột phá và bắt mắt bằng việc kết hợp một font chữ hiện đại với những hình khối nhiều màu sắc và trừu tượng mang lại một vẻ ngoài tươi mới và độc đáo.
- Hãy thảo luận với nhà thiết kế của bạn
—
Một logo độc đáo và đáng nhớ dành cho Lone Oak Studios, thiết kế bởi Mad pepper.
Giờ thì bạn đã cân nhắc tất cả khía cạnh của phong cách thiết kế, bạn đã sẵn sàng để bắt đầu thiết kế! Có nhiều cách để có được một thiết kế logo và bạn nên cân nhắc cách nào phù hợp nhất với mình. Thuê hãng thiết kế, tổ chức cuộc thi thiết kế, thuê nhà thiết kế tự do hoặc tự thiết kế? Những mức chi phí khác nhau mang lại những chất lượng khác nhau và tất cả lựa chọn đều có cả ưu và nhược điểm. Để có cái nhìn toàn diện về những lựa chọn của bạn, hãy xem qua bài viết so sánh về những cách tốt nhất để thực hiện thiết kế logo. Hãy đọc nhiều hơn về chi phí phải bỏ ra để thiết kế logo ở đây.
Chúng tôi có thể thiên lệch, nhưng chúng tôi cho rằng một cuộc thi thiết kế là cách tốt nhất để có được một logo. Để đảm bảo thiết kế cuối cùng là hoàn hảo nhất, quy tắc đầu tiên khi làm việc với nhà thiết kế của bạn là trao đổi rõ ràng. Việc viết một mô tả thiết kế rõ ràng là cơ hội để bạn khiến nhà thiết kế hiểu bạn là ai và bạn cần điều gì. Hãy đảm bảo rằng bạn cung cấp đủ thông tin về công ty và phong cách, để họ có thể tạo ra thứ gì đó thực sự độc đáo cho bạn.
Đôi khi bạn cần tin tưởng hơn vào nhà thiết kế của mình và hãy thử cởi mở hơn với những đề xuất. Hãy nhớ rằng nhà thiết kế của bạn là một chuyên gia và có cảm nhận tuyệt vời về những thứ sẽ tạo nên một logo tốt. Việc cung cấp những phản hồi chi tiết và rõ ràng là thứ cho nhà thiết kế hiểu về những thứ bạn thích. Nó có vẻ hơi kỳ lạ như đúng rằng: những thiết kế tốt nhất ra đời khi bạn và nhà thiết kế của bạn làm việc cùng nhau.
- Đánh giá những lựa chọn của bạn
—
Logo này bởi Martis Lupus chỉ là một trong những lựa chọn của Joyce Foods có thể chọn trong cuộc thi thiết kế họ tổ chức.
Họ cũng có lựa chọn giữa logo thủ công thực hiện bởi Zvucifantasticno này
Và logo hiện đại này, thực hiện bởi Abda_99
Và cả logo kiểu viết tay này, thực hiện bởi kapralcev, cũng như 152 thiết kế khác. Nó cũng giống như lựa chọn một hương vị yêu thích của bạn!
Đánh giá những lựa chọn logo là việc khó khăn, nên hãy nhờ cả bạn bè, khách hàng tiềm năng và đồng nghiệp để giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.
Điều gì tạo nên một logo tốt?
Một logo tốt được nhận diện tức thì, phản ánh thông điệp của thương hiệu và khiến bạn nổi bật. Một logo hiệu quả trông chuyên nghiệp và phù hợp, liền mạch với nhận diện của thương hiệu. Một logo tuyệt vời cũng cần hiệu quả ở mọi kích thước cũng như mọi nơi bạn muốn sử dụng nó.
Một logo tốt thì:
- Độc đáo và riêng biệt
- Dễ nhớ
- Hiệu quả ở mọi kích thước và nơi sử dụng
- Phản ánh nhận diện thương hiệu
- Không bị lỗi thời theo thời gian
Nhưng tạo ra một logo tốt như thế nào? Đây là một số câu hỏi chung cần hỏi chính bạn khi đánh giá những lựa chọn logo của mình:
- Bạn có thể nhận ra nó là gì trong 2 giây? Người ta sẽ tức thời biết doanh nghiệp của bạn làm gì hay không?
- Nó có đơn giản và dễ nhớ? Người tiêu dùng có thể ghi nhớ nó hay không?
- Nó có đa năng không? Nó có thể áp dụng vào mọi nhu cầu tiếp thị của thương hiệu không?
- Nó có ít trở nên lỗi thời hay bạn phải thiết kế lại chỉ sau một vài năm?
- Nó có độc đáo và khiến bạn khác biệt với đối thủ không?
- Nó có hấp dẫn đối với nhóm khách hàng bạn hướng tới hay không?
Rõ ràng là nhu cầu và kỳ vọng của thương hiệu cho một logo sẽ khác nhiều nếu bạn bán quần áo trẻ em và cần một logo đơn giản có thể in lên vải hơn là việc bạn sản xuất một nhãn hàng rượu vang cao cấp với nhãn mác phức tạp hay bạn bán ứng dụng di động. Nên đừng quên lùi lại một bước và cân nhắc toàn cảnh rộng hơn khi bạn đang thiết kế logo của mình. Đây không phải là vấn đề khẩu vị cá nhân, mà là việc tìm thứ phù hợp nhất cho thương hiệu của bạn.
- Điều không nên làm khi thiết kế logo
—
Thiết kế bởi am121
Thiết kế bởi SimpleIsGoog
Thiết kế bởi gaga vastard
Có một vài cạm bẫy phổ biến đợi bạn khi bạn đang thiết kế logo của mình. Đây là một vài thủ thuật để tránh những điều đó:
- Đừng quá bận tâm những lời sáo rỗng trong ngành của bạn. Bạn là một nha sĩ nên logo của bạn cần có một cái răng trong đó? Hoàn toàn không. Đây là cách tránh những logo chung chung.
- Đừng khiến nó quá phức tạp. Sự đơn giản là chìa khóa cho một logo dễ nhớ và có thể in được
- Đừng cố trở nên quá thời thượng. Xu hướng là tốt, nhưng hãy đảm bảo rằng logo của bạn sẽ không trông lỗi thời trong vòng vài năm tới.
- Đừng thỏa hiệp với một logo chất lượng thấp chỉ để tiết kiệm vài đồng bạc. Logo của bạn không phải nơi để quá tiết kiệm và bạn sẽ nhận đúng giá trị mà mình bỏ ra trong hầu hết các trường hợp.
- Tích hợp thiết kế logo vào thương hiệu của bạn
—
Giờ bạn đã biết cách thiết kế một logo rồi, tiếp theo là gì?
Một khi bạn có logo của mình, bạn đã tạo ra nền tảng lý tưởng cho tất cả những tư liệu tiếp thị mà doanh nghiệp của bạn cần – cho dù đó là danh thiếp, thiết kế bao bì hay website. Bằng việc thiết lập tông cho phong cách, bảng màu, font chữ và vẻ ngoài cũng như cảm giác tổng thể thì logo của bạn là điểm xuất phát cho những tài sản thương hiệu và nhà thiết kế của bạn sẽ có thể tạo ra một vẻ ngoài liền lạc cho bạn. Và cũng giống như vậy, doanh nghiệp cho bạn sẵn sàng cho cả thế giới thấy diện mạo hoàn toàn mới của nó!
Nguồn: 99designs.com