7 LOẠI THÁI ĐỘ CẦN CÓ ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC BẤT KỲ SỰ THAY ĐỔI NÀO


 

Thời điểm nào là tốt nhất trong năm để bắt tay thực hiện kế hoạch thay đổi để có những khởi đầu mới mẻ? Câu trả lời là tùy thuộc vào bạn. Mặc dù tháng Giêng thường là lúc hầu hết mọi người bắt đầu lập mục tiêu, lên kế hoạch thay đổi và cải thiện bản thân, nhưng thực tế là bạn có thể thực hiện quá trình thay đổi vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm. Một tình huống nhiều người mắc phải là cố gắng đưa ra những mục tiêu vô cùng hoành tráng vào đầu năm, nhưng đến hết năm nhìn lại vẫn chưa thực hiện được gì và buộc phải lặp lại những mục tiêu của năm trước trong danh sách của năm nay và thậm chí vài năm tới nữa.

1

Thường nỗi sợ thay đổi là chướng ngại ngăn bạn tiến về phía trước để thực hiện giấc mơ của mình. Sợ hãi không bao giờ là người cố vấn tốt mặc dù nó thường xuất hiện dưới lớp vỏ bọc là tiếng nói của lý trí, nhưng thực sự đó chỉ là nỗi sợ thuần túy khi đối mặt với việc phải thay đổi. Khi bạn sợ thay đổi, những cụm từ sau sẽ liên tục vây quanh tâm trí bạn: “Chuyện gì xảy ra nếu tôi không làm được”, “Không, nó quá khó, tôi không thể làm được”, “Cái đó không phải dành cho tôi”, “Tôi không thích hợp với nó một chút nào cả”, …Điều này kết hợp với việc ngần ngại viết ra danh sách những mục tiêu cùng với các bước thực hiện mục tiêu, vô hình làm rào cản giữa bạn và tiến trình hoàn thành việc thay đổi như mong muốn.

  1. Tiếp cận với quá trình thay đổi bằng tâm thế của một người mới bắt đầu với thái độ cầu thị và ham học hỏi

Tại sao tôi muốn thay đổi?” và “Điều gì đang níu giữ bước chân tôi đến với sự thay đổi?” là hai trong số nhiều câu hỏi hay bạn cần trả lời thành thật để khám phá lý do đằng sau việc bạn còn chần chừ chưa hành động. Chính xác là yếu tố nào ngăn cản bạn bắt đầu bước đi đầu tiên và ngại dấn thân vào hành trình thay đổi?

Nhiều người e ngại sự thay đổi sẽ làm họ đánh mất chính bản thân mình. Họ sợ phải đánh mất đi bản thể của mình chỉ với việc giảm 15 cân, tìm thấy một công việc với thù lao cao hơn, có được tấm bằng tốt nghiệp, hoặc bất cứ điều gì khác. Hãy ngồi xuống và suy nghĩ xem thứ gì đang ngăn cản bạn. Rồi bạn sẽ tìm ra sự thay đổi mà bạn đang khát khao muốn thực hiện. Hình dung trong tâm trí tất cả những thứ bạn muốn mình thay đổi, cả về diện mạo, cách ăn mặc…Hãy dùng tất cả các giác quan để cảm nhận và mường tượng ra một con người hoàn toàn mới khi bạn thực hiện những thay đổi đó.

Đặt bản thân vào vị trí của một người thành công, làm cho bản thân trở nên thân thuộc với những thay đổi, và tự áp đặt cảm giác vui sướng về quá trình chuyển đổi. Hãy cho bản thân thêm thời gian, sự nhẫn nại và lòng trắc ẩn, tin tưởng vào bản năng của mình, mạnh dạn bắt tay thay đổi. Đừng bao giờ để nỗi sợ hãi thao túng và làm chủ cuộc sống của bạn. Tiến về phía trước, từng bước từng bước một.

  1. Bạn muốn thay đổi nhiều đến đâu?

Hãy nghiêm túc suy nghĩ về quy mô bạn muốn thay đổi. Có phải bạn muốn cả bản thân và cuộc sống của mình “lột xác” hoàn toàn? Trong các nấc thang từ 1-10 thì bạn khao khát thay đổi đến mức nào, có phải là mức cao nhất chưa. Nếu chưa đủ “lửa” và nhiệt huyết để thay đổi, e rằng hành trình đó sẽ gian nan hơn vì thiếu đi ý chí và quyết tâm.

Chỉ bằng việc phát biểu đơn thuần “Vâng tôi muốn thay đổi” thì chưa đủ tạo ra nguồn động lực dài lâu và bền bỉ. Nhưng điều tệ hơn nữa là bạn không đủ cam kết mạnh mẽ đối với việc thay đổi, mặt khác lại dễ nản lòng và thất vọng về bản thân khi không đạt được kết quả như ý muốn. Hãy bắt đầu bằng việc thành thật trả lời 2 câu hỏi “Bạn muốn thay đổi điều gì?” và “Bạn muốn thay đổi nhiều đến đâu?”.

3.      Tinh thần trách nhiệm

Mỗi khi bạn muốn đặt ra những đặt mục tiêu mới để thay đổi cuộc sống của mình, thì suy nghĩ về “trách nhiệm” lại xuất hiện, lúc này một cách tự nhiên bạn sẽ có khuynh hướng ngả về hướng duy trì thực hiện trách nhiệm đang có và bỏ quên bản thân mình. Nếu bạn cho rằng việc dành thời gian đến phòng tập gym sẽ ảnh hưởng đến quỹ thời gian dành cho việc khác, nếu bạn đang tin rằng việc đăng ký một khóa học mới sẽ làm xáo trộn một nghĩa vụ mà bạn đang gánh vác, vậy thì rõ ràng cuộc sống của bạn đang bị bủa vây bởi hàng tá những thứ mang tên “nghĩa vụ và trách nhiệm” với người khác.

Vậy thì bản thân mình bạn đặt ở đâu, bạn có hoàn thành trách nhiệm đối với bản thân trước khi hy sinh cuộc sống chăm lo cho những người khác? Hãy nhớ rằng bạn phải thực hiện chúng song song cùng lúc, chăm lo và quan tâm bản thân cũng quan trọng như việc chăm lo cho người khác, hãy bảo đảm rằng bạn dành đủ thời gian để nghĩ đến những nhu cầu chính đáng của cá nhân và lên kế hoạch thay đổi để tăng trưởng bản thân.

4.      Ngừng đổ lỗi và viện cớ

Một cái cớ cũ rích mà chúng ta thường dùng để biện minh cho việc ngại thay đổi là “Tôi không có thời gian” thay vì thẳng thắn thừa nhận rằng “Tôi không muốn và không dám thay đổi bất cứ điều gì”. Điều này có vẻ khó nghe nhưng rất tiếc thực tế là như vậy đấy. Tất cả chúng ta đều có một quỹ thời gian 24h một ngày, quan trọng là chúng ta sử dụng hiệu quả hay lãng phí chúng. Hãy thành thật công nhận điều này “nếu bạn thực sự muốn thực hiện tất cả những thay đổi đã đặt ra, bạn sẽ sắp xếp được thời gian để làm, còn khi bạn chưa thực sự muốn, thì tất cả chỉ là cái cớ mà thôi”.

5.      Đối thoại với nội tâm

Có thể bạn đã trò chuyện và chia sẻ với bạn bè những mục tiêu bạn dự định làm như giảm cân, bắt đầu ăn uống lành mạnh hơn, tìm một công việc tốt hơn, bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết, ….Nhưng điều cốt lõi là tiếng nói bên trong bạn. Bạn có trò chuyện với bản thân không, có đang dùng những từ ngữ mang tính khích lệ và lạc quan, hay đang đổ lỗi và liên tục dằn vặt bản thân vì những sai lầm trong quá khứ.

Bạn có nuôi dưỡng hi vọng về tương lai hay lúc nào cũng tin rằng bản thân thật tệ hại và sớm muộn gì cũng trở thành kẻ thất bại. Hãy thay đổi cách bạn đối thoại với nội tâm của mình. Hãy dịu dàng, nhẫn nại và khích lệ bản thân, tự thưởng cho mình khi đạt được những thành quả dù là nhỏ. Hãy học cách ăn mừng từ những thành công nhỏ nhoi, đó mới chính là thứ thúc đẩy bạn không ngừng tiến tới.

6.      Thay đổi niềm tin cốt lõi

Muốn thay đổi được suy nghĩ và hành vi, trước hết bạn cần thay đổi niềm tin cốt lõi (core belief) – thứ nằm sâu trong tư tưởng và quanh quẩn ở góc khuất tâm hồn mà nhiều khi ta không để ý đến sự tồn tại của chúng. Bạn cần củng cố niềm tin đó theo hướng tích cực, lạc quan, tràn đầy hi vọng và luôn tự nhủ “Tôi xứng đáng với những điều tốt đẹp và tôi có thể thay đổi để đạt được điều đó”.

Nếu bạn cứ tự hạ thấp khả năng của bản thân và khư khư ôm lấy thứ niềm tin tiêu cực kiểu như “Tôi không thể làm được/ Tôi không xứng đáng có được điều đó”, như vậy bạn đang dính mắc vào cái bẫy tư duy theo lối mòn và những thói quen xấu không mang lại sự thay đổi tích cực nào. Hãy nhớ rằng, sự thay đổi là hành trình khám phá và tìm kiếm ra phiên bản tốt nhất của bản thân bạn.

7.      Nghĩ về một hình mẫu mà bạn muốn hướng tới

 

Hãy nghĩ tới một người mà họ đã thành công trong quá trình thay đổi tư duy từ tiêu cực sang tích cực, cách họ lập mục tiêu, kiên trì thực hiện và cuối cùng đến được đích. Họ là ai, sở hữu những tính cách gì, trước và sau khi thay đổi họ là kiểu người như thế nào, bạn có thể tiếp cận và trò chuyện với họ không. Tìm hiểu thêm về những yếu tố như quy trình tư duy, động lực, sự bất an nếu có, niềm tin, kế hoạch của họ,… tất cả những yếu tố đồng hành cùng họ trong hành trình thay đổi.

Nếu bạn không thể nói chuyện với họ, hãy đơn giản là quan sát và tự đưa ra câu trả lời cho tất cả các nghi vấn mà bạn đặt ra. Tin tưởng bản thân và thực hiện kế hoạch bạn muốn. Thành công là đích đến ai cũng có thể đạt được, hãy tin vào điều đó. Can đảm tiến về phía trước, theo đuổi giấc mơ, nhớ rằng hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu bằng một bước chân, quan trọng là đừng bỏ cuộc và hãy lắng nghe tiếng gọi của trái tim trên hành trình chinh phục những khát vọng trong cuộc đời.

 

Nguồn: thoughtcatalog.com

Tham khảo khoá học sắp khai giảng và ưu đãi mới nhất! Lịch học Đăng ký ngay